Diễn biến mới vụ Ukraine chặn Lukoil trung chuyển dầu Nga sang 2 nước EU

Chủ nhật, 04/08/2024 15:29

Cả Hungary và Slovakia đều bày tỏ mong muốn EU “ra tay”, buộc Ukraine khôi phục toàn bộ dòng dầu Nga tới 2 quốc gia thành viên này.

Slovakia và Hungary vừa bác bỏ đề xuất của cơ quan điều hành Liên minh châu Âu (EU) về việc thay thế dòng dầu Nga bị Ukraine chặn bằng một tuyến đường thay thế qua Croatia, với lý do Croatia không phải là điểm trung chuyển "đáng tin cậy".

Nguồn cung từ Lukoil qua Ukraine đã bị dừng lại từ tháng 7 sau khi Kiev đưa công ty xuất khẩu dầu tư nhân lớn nhất của Nga vào danh sách trừng phạt và áp đặt lệnh cấm sử dụng đường ống Druzhba, tuyến đường ống vận chuyển dầu nối Nga với Đông Âu.

Hungary và Slovakia sau đó đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) can thiệp và làm trung gian vì cho rằng động thái của Ukraine đe dọa đến an ninh nguồn cung của họ.

Trong diễn biến mới nhất liên quan vụ việc, Budapest và Bratislava hôm 2/8 đã từ chối đề xuất của EC về việc sử dụng công suất dự phòng trên đường ống JANAF Adriatic tại Croatia để cung cấp dầu không có nguồn gốc từ Nga cho Hungary và Slovakia.

Đề xuất này của Brussels nhằm mục đích đa dạng hóa nguồn nhập khẩu dầu và giảm sự phụ thuộc của một số nước thành viên vào dầu mỏ của Nga trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị đang diễn ra.

Diễn biến mới vụ Ukraine chặn Lukoil trung chuyển dầu Nga sang 2 nước EU- Ảnh 1.

Cơ sở lưu trữ và vận chuyển dầu qua đường ống JANAF Adriatic tại Croatia. Ảnh: The Gaze

"Đơn giản là vì Croatia không phải là quốc gia đáng tin cậy để vận chuyển dầu", Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó nói. "Giá vận chuyển dầu tại Croatia đã tăng gấp 5 lần kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra".

Bình luận trên của ông Szijjártó đã vấp phải phản ứng gay gắt từ Croatia, gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao.

Bộ trưởng Ngoại giao Croatia Gordan Grlić Radman bày tỏ sự thất vọng trước lời chỉ trích bất ngờ từ một quốc gia láng giềng mà Croatia đã tìm cách duy trì mối quan hệ hữu nghị bất chấp những hành động không thân thiện trước đây.

Để đáp lại mối lo ngại của Hungary, Slovakia – quốc gia đã nhận được một phần dầu của mình thông qua đường ống JANAF Adriatic đến nhà máy lọc dầu Slovnaft – hôm 2/8 cho biết họ đã nhận được lời đề nghị từ Chính phủ Croatia về đảm bảo nguồn cung dầu.

Nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Juraj Blanár cho rằng mọi thứ vẫn không chắc chắn khi xét đến những đặt câu hỏi về chi phí và khối lượng nguồn cung tiềm năng, lưu ý rằng "chưa ai biết chi tiết cụ thể".

Cả Hungary và Slovakia đều bày tỏ mong muốn EC "ra tay", buộc Ukraine khôi phục toàn bộ dòng dầu Nga. Đồng thời, ông Blanár cho biết rằng Slovakia cũng đang tìm kiếm các giải pháp thay thế nếu Brussels không hành động.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt  ở Ukraine đầu năm 2022, EU đã cấm nhập khẩu dầu vào các quốc gia thành viên của mình nhằm mục đích "cai nghiện" nhiên liệu hóa thạch của Nga, nhưng đã miễn trừ cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc để các nước này có thời gian tìm các tuyến đường và nguồn cung thay thế.

Bất chấp các cuộc đàm phán kéo dài về phí trung chuyển, JANAF của Croatia và MOL của Hungary đã ký được hợp đồng một năm vào tháng 5/2023, về một thỏa thuận vận chuyển và lưu trữ 2,9 triệu tấn dầu thô trên đường ống Adriatic đến các nhà máy lọc dầu Hungary và Slovakia của MOL.

Hungary hôm 2/8 cũng phàn nàn rằng Croatia đã không đầu tư vào việc xây dựng năng lực và chưa bao giờ chứng minh được con số mà họ đưa ra về công suất trung chuyển tối đa của đường ống Adriatic.

JANAF đã bác bỏ các cáo buộc trong một tuyên bố, nói rằng họ đã liên tục đầu tư vào hệ thống vận chuyển-lưu trữ của mình. Công ty cho biết đã thử nghiệm năng lực vận chuyển của mình trên tuyến đường hướng tới Hungary cùng với MOL và chứng minh rằng tuyến đường này có thể vận chuyển 1,2 triệu tấn dầu thô mỗi tháng.

"JANAF đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật và tổ chức để cung cấp đủ lượng dầu cho các nhà máy lọc dầu ở Trung Âu để hoạt động hết công suất. Đó là lý do tại sao chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ tìm ra giải pháp thỏa đáng để tiếp tục quan hệ đối tác lâu dài thông qua các cuộc đàm phán và hợp tác cởi mở", công ty cho biết.

Minh Đức (Theo Euractiv, EU Today)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.