Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/4 thừa nhận Mỹ sẽ phải đối mặt với "chi phí chuyển đổi" do thuế quan toàn cầu của mình đồng thời đe dọa sẽ áp dụng lại toàn bộ mức thuế "có đi có lại" nếu các quốc gia không đạt được thỏa thuận với ông trong vòng 90 ngày.
"Sẽ có chi phí chuyển đổi và các vấn đề chuyển đổi, nhưng cuối cùng, đó sẽ là một điều tuyệt vời", ông Trump cho biết, nhưng vẫn chưa nói chính xác điều gì sẽ xảy ra sau khi thời hạn hoãn thuế kết thúc vào ngày 8/7.
Trong bài đăng trên Truth Social thông báo về thời gian tạm hoãn thuế, Tổng thống Mỹ cho biết hơn 75 quốc gia đã liên hệ với chính quyền của ông để làm trung gian cho các thỏa thuận thương mại. Thời gian gia hạn có thể cho phép các quốc gia đó đàm phán các thỏa thuận thương mại cụ thể.
Khi thời gian ân hạn kết thúc, từ ngày 9/7, những quốc gia chưa đạt được thỏa thuận có thể một lần nữa phải chịu mức thuế quan tương tự có hiệu lực vào ngày 9/4. Tuy nhiên, ông Trump cũng có thể công bố một đợt hoãn thuế quan khác.
"Chúng ta sẽ phải xem điều gì sẽ xảy ra vào thời điểm đó", Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên hôm 10/4. Ông Trump trước đó đã 2 lần hoãn thuế đối với 2 đối tác thương mại lớn của nước này là Canada và Mexico.
The Independent cho biết đã liên hệ với Nhà Trắng để làm rõ những gì sẽ xảy ra sau khi thời gian tạm hoãn kết thúc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp Nội các tại Nhà Trắng vào ngày 10/4/2025. Ảnh: Bloomberg
Việc Tổng thống Trump hoãn áp thuế quan "có đi có lại" đã khiến thị trường toàn cầu tăng vọt vào ngày 9/4, nhưng sau đó lại một lần nữa chao đảo vào ngày 10/4 khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang.
Khi phần còn lại của thế giới được hoãn áp thuế trong 90 ngày, ông Trump đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 125%. Cộng thêm mức thuế 20% vốn đã được áp dụng trước đó, mức thuế bổ sung của Washington đối với nhiều sản phẩm đã lên tới 145%, Nhà Trắng xác nhận.
Trong khi Nhà Trắng cho biết đã liên lạc với hàng chục quốc gia để thu xếp các thỏa thuận, với các cuộc điện đàm và cuộc họp sẽ diễn ra trong những tuần tới, không có tiếp xúc nào giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hai quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói với CNN rằng Mỹ sẽ không liên hệ với Trung Quốc trước. Ông Trump đã nói với nhóm của mình rằng Trung Quốc phải là bên đầu tiên thực hiện động thái này, vì Nhà Trắng tin rằng chính Bắc Kinh đã chọn cách trả đũa và leo thang cuộc chiến thương mại hơn nữa.
Về phía Bắc Kinh, một phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 10/4 cho biết, "Cánh cửa đàm phán đang mở, nhưng đối thoại phải được tiến hành trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng".
"Nếu Mỹ chọn đối đầu, Trung Quốc sẽ đáp trả tương tự. Áp lực, đe dọa và tống tiền không phải là cách đúng đắn để làm việc với Trung Quốc", vị phát ngôn viên nói tiếp.
Cả 3 chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ một lần nữa chịu mức lỗ lớn vào ngày 10/4, đánh mất phần lớn mức tăng của phiên trước đó khi những lo ngại ngày càng tăng về cuộc đối đầu thương mại leo thang giữa Washington và Bắc Kinh đã làm giảm sự lạc quan về dữ liệu kinh tế tốt và triển vọng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và châu Âu.
Theo dữ liệu sơ bộ, S&P 500 đóng cửa giảm 3,45%, trong khi Nasdaq Composite giảm 4,31% và Dow Jones Industrial Average giảm 2,54% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/4.
Một nhà phân tích đã cảnh báo rằng thị trường chứng khoán "không biết hồi kết là gì" với thuế quan của ông Trump.
"Các nhà đầu tư vẫn cảm thấy không thoải mái với điều này, vì họ không biết hồi kết là gì", ông Paul Nolte, cố vấn tài sản cấp cao tại công ty Murphy & Sylvest có trụ sở tại Illinois, nói với Reuters.
"Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta đang thấy, vẫn là mối quan tâm của các nhà đầu tư về thuế quan và đó là điều khá nổi bật và trung tâm của mọi thứ. Các nhà đầu tư khó có thể cảm thấy thoải mái khi mua cổ phiếu có mức biến động cao như vậy", ông Nolte nói thêm.
Minh Đức (Theo Independent, 9News)