Dư luận thời gian qua xôn xao trước thông tin một doanh nghiệp tư nhân là công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo muốn thay Tổng công ty Đường sắt thực hiện Dự án đường sắt trên cao tuyến số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên) theo hợp đồng BT phần vốn đối ứng 15% của Việt Nam. Doanh nghiệp này dự kiến bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng vào cuối năm 2017 và dự án đi vào hoạt động vào cuối năm 2020.
Để rộng đường dư luận, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Long, Phó Tổng giám đốc CTCP Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo.
Ông có thể chia sẻ sâu hơn về đề xuất của doanh nghiệp?
Thực tế hiện nay là các dự án đường sắt trên cao nằm trong quy hoạch của Hà Nội đều đang chậm tiến độ. Nguyên nhân có nhiều, song quan trọng nhất phải kể tới khâu giải phóng mặt bằng – giai đoạn rất phức tạp của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực nội đô. Dự án Đường sắt trên cao tuyến số 1 có phần lớn nguồn vốn là vốn ODA từ Nhật Bản, vốn đối ứng của Việt Nam chiếm 15% dưới hình thức giải phóng mặt bằng.
Hiện Ngân sách đang cấp tiền cho Tổng công ty Đường sắt để thực hiện nhưng rõ ràng là tiến độ dự án rất chậm. Đúng ra năm nay đã phải có đường đi rồi, nhưng Tổng công ty Đường sắt đã phải lùi lại đến năm 2024. Tôi lo ngại rằng với tình trạng hiện nay thì còn bị đình trệ nữa. Nếu dự án “chết” quá lâu, phía Nhật cắt nguồn ODA thì lấy đâu ra vốn mà làm? Mà muốn đẩy nhanh thì ngoài việc phụ thuộc vào Ngân sách, Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt còn phải “đẻ” thêm không dưới 50 người làm liên tục nhiều tháng trời mới mong hoàn thành được khâu giải phóng mặt bằng. Điều này là bất hợp lý nhất là khi Nhà nước đang có chủ trương tinh giản biên chế, giảm bớt bộ máy cồng kềnh tại các cơ quan nhà nước.
Vì vậy, có thể để tư nhân đảm nhận việc giải phóng mặt bằng. Nhà nước không bỏ tiền ra, chỉ cần đổi đất để chúng tôi thực hiện tái định cư cho người dân trong phạm vi dự án. Gia Bảo cam kết mức lợi nhuận 9% bao gồm cả lãi vay, bất cứ phần trăm lợi nhuận nào vượt quá sẽ chuyển về Ngân sách và chịu sự giám sát của Tổng công ty Đường sắt cũng như kiểm toán (Deloitte). Ví dụ Gia Bảo đầu tư cơ sở hạ tầng khu đất hết 100 tỷ, chúng tôi chỉ thu về đúng 100 tỷ, phần dôi ra nộp cho nhà nước. Phương thức làm có thể là cuốn chiếu, giúp quay vòng vốn liên tục và không phụ thuộc nhiều vào vay nợ ngân hàng. Đơn cử, 500 tỷ đồng có thể làm cho 500 hộ, hết 500 hộ này sẽ tiếp tục làm tiếp cho 500 hộ nữa.
Theo ước tính của chúng tôi, hàng nghìn hộ dân từ Ngọc Hồi tới Yên Viên nằm trong phạm vi dự án. Chi phí dự toán vào khoảng 4.500 tỷ đồng, phần lớn để thực hiện giải phóng mặt bằng. Đây là chúng tôi ước đoán, còn số liệu chính xác, nếu được Chính phủ chấp thuận, Gia Bảo sẽ làm việc cụ thể với Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty đường sắt, kết hợp với Thành phố, quận, huyện khảo sát thực tế.
Có ý kiến Gia Bảo là doanh nghiệp chưa có nhiều tiếng tăm, lo ngại về nguồn lực của đơn vị, ông có bình luận gì?
Ở đây cần nói rõ ý tưởng của chúng tôi. Gia Bảo sẽ đứng ra sắp xếp kế hoạch giải phóng mặt bằng, bao gồm phối hợp với cơ quan ban ngành kiểm đếm chi tiết các hộ dân trong diện di dời, và xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất được Thành phố Hà Nội đối ứng cho tái định cư. Bởi vậy cái cần thiết là năng lực sắp xếp kế hoạch chứ tiền nhiều chưa chắc đã làm được. Đây là điểm mà Gia Bảo rất tự tin. Bản chất “bài toán” là sắp xếp lợi ích của các bên, nhất là của người dân, sao cho ổn thỏa nhất. Người dân có thể lựa chọn đất nền hoặc chung cư tùy thuộc nhu cầu khi thực hiện tái định cư.
Hà Nội vừa rồi đã đề xuất với Chính phủ đổi 6.000 ha đất để làm đường sắt trên cao và mở đường giao thông. Ý tưởng của Gia Bảo cũng trùng khớp như thế. Vậy tại sao lại không đổi một ít đất để lấy nguồn vốn tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án. Thời điểm hiện tại, dự án càng đình trệ thì càng thiếu hiệu quả, chi phí càng đội lên, trong khi vốn Nhật luôn có sẵn và chỉ đợi giải ngân khi phía Việt Nam cung cấp được mặt bằng sạch. Đây là điều khiến chúng tôi rất trăn trở.
Phải chăng cơ quan chức năng chưa nắm bắt được ý tưởng của doanh nghiệp, thưa ông?
Tôi cho là như vậy. Gia Bảo muốn tham gia dự án vì sự phát triển chung của Thành phố Hà Nội. Nên nhớ rằng tỷ suất lợi nhuận chúng tôi đưa ra là rất thấp, chỉ 9% bao gồm cả lãi vay, thấp hơn nhiều mức trung bình 11,5% của các dự án tương tự hiện nay. Trong bối cảnh Ngân sách gặp nhiều khó khăn, và cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải, cùng đơn vị thực hiện là Tổng công ty Đường sắt đang phải xử lý nhiều vấn đề cấp bách, thì giao cho tư nhân thực hiện 15% nguồn vốn đối ứng là con đường ngắn nhất để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng - nút thắt của dự án.
Bởi vậy, chúng tôi hoan nghênh bất cứ doanh nghiệp nào có năng lực thực hiện dự án, chứ không nhất quyết phải là Gia Bảo. Chúng tôi cho đây là ý tưởng rất hay, hiệu quả trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Song dường như các cơ quan nhà nước chưa nắm bắt hay chưa hiểu đúng ý tưởng của chúng tôi. Nếu có cơ hội tham gia, Gia Bảo tin rằng dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ với chi phí tiết kiệm nhất.
Xin cảm ơn ông!
Nghi Điền – Thủy Tiên