"Đòn bẩy" giúp tăng sự hiện diện của nông sản Việt trên bàn ăn thế giới

Thứ 3, 26/11/2024 11:21

Theo bà Lê Hoàng Oanh, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam.

Hơn 17 triệu sản phẩm Việt đã xuất khẩu trong năm 2023

Với mục tiêu đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, sáng 26/11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 với chủ đề "Thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt”.

Trong 5 năm qua, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh, trong năm 2023, Việt Nam đã chứng kiến bước phát triển đầy tự hào của thương mại điện tử.

Dẫn số liệu từ báo cáo của Amazon Global Selling Việt Nam, bà Oanh cho biết, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, tăng 50% về giá trị và tăng 40% về số lượng đối tác bán hàng.

"Đòn bẩy" giúp tăng sự hiện diện của nông sản Việt trên bàn ăn thế giới- Ảnh 1.

Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương (Ảnh: Thanh Loan).

Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 26% so với năm trước. Những con số này là minh chứng rõ nét cho tiềm năng to lớn và sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng nền tảng số để mở rộng thị trường quốc tế.

Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam.

“Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận, triển khai ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, như hạn chế về kiến thức và kỹ năng số; năng lực cạnh tranh chưa cao; thiếu thông tin thị trường và các vấn đề khó khăn liên quan đến rào cản pháp lý, thuế quan, logistics, thanh toán”, bà Oanh chỉ rõ.

Bên cạnh đó, những biến động của thị trường quốc tế, các căng thẳng thương mại, cùng các yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Bà Lê Hoàng Oạnh cho biết, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số giao Trung tâm Phát triển thương mại điện tử nghiên cứu, phát triển Hệ sinh thái xuất khẩu trực tuyến với các giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa định hướng của Chính phủ, chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đưa những sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tiếp cận thị trường quốc tế qua thương mại điện tử.

Cơ hội xuất khẩu cho nông dân Việt Nam

Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, ông Liu Liang - Đại diện Sở Thương mại Vân Nam, Trung Quốc - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam Trung Quốc cho biết, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo và giày dép có tiềm năng rất lớn trên thị trường Trung Quốc.

Nói về ví dụ, ông Liu Liang nhắc đến thanh long, hạt điều và hạt cà phê của Việt Nam đã thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Vân Nam, xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc. Trong tương lai, cùng với việc tối ưu hóa logistics và chính sách, thị phần của những sản phẩm này sẽ còn tiếp tục mở rộng.

Theo đó, Vân Nam không chỉ là cầu nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, mà còn là điểm nút quan trọng thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử giữa hai nước.

"Đòn bẩy" giúp tăng sự hiện diện của nông sản Việt trên bàn ăn thế giới- Ảnh 2.

Ông Liu Liang - Đại diện Sở Thương mại Vân Nam, Trung Quốc - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam, Trung Quốc (Ảnh: Thanh Loan).

Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Vân Nam Trung Quốc cho rằng, để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, cần xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử hoàn chỉnh hơn.

Cụ thể, bao gồm 3 khía cạnh: Nâng cấp cơ sở hạ tầng; Hỗ trợ công nghệ và Đào tạo nhân tài.

“Nhìn về tương lai, chúng ta có thể làm sâu sắc hơn hợp tác từ các hướng sau: Tăng cường liên kết ngành; Đổi mới mô hình hợp tác ví dụ như sử dụng công nghệ blockchain để nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của chuỗi cung ứng; Phát triển xanh và bền vững, cùng thúc đẩy thương mại điện tử xanh, khuyến khích bao bì thân thiện với môi trường và logistics carbon thấp”, ông Liu Liang nhấn mạnh.

Dựa vào lợi thế địa lý, chính sách và công nghệ của Vân Nam, ông cũng khẳng định có khả năng và tự tin cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc và thế giới.

"Đòn bẩy" giúp tăng sự hiện diện của nông sản Việt trên bàn ăn thế giới- Ảnh 3.

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Ảnh: Thanh Loan).

Nói về định hướng giai đoạn 2025, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho biết, VNPost xây dựng 3 nền tảng chính: nền tảng phân phối, nền tảng hỗ trợ công việc phân phối, và nền tảng kết nối các nhà sản xuất với thị trường.

Đồng thời đến giai đoạn 2030, định hướng phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử xuyên biên giới, với mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước, kết nối các nhà sản xuất với khách hàng.

“VNPost đã và đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái toàn diện để hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản. Các giải pháp được đề xuất tập trung vào việc kết nối nguồn cung, nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ tiếp thị và phân phối, cũng như xây dựng các nền tảng công nghệ riêng”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Với những nỗ lực này, vị Phó Tổng Giám đốc bày tỏ hy vọng VNPost có thể thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất và nông dân Việt Nam.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.