Đột phá chiến lược phải phá tan rào cản kìm hãm phát triển giáo dục

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 2, 18/11/2024 11:41

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng trước yêu cầu của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, hướng tới chất lượng cao hơn.

Sáng 18/11, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, toàn ngành Giáo dục đã và đang triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để cụ thể hóa các mục tiêu, yêu cầu mà Đảng, Nhà nước đã đề ra và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới và phát triển, giáo dục và đào tạo nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rất mong được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo để ngành giáo dục thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và nâng cao chất lượng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong suốt thời gian qua, đội ngũ nhà giáo - nguồn lực quan trọng nhất của ngành giáo dục đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo nước nhà.

Thông qua sự kiện nhằm động viên, ghi nhận các đóng góp, tôn vinh những nỗ lực, cống hiến và nâng cao tinh thần yêu nghề của đội ngũ nhà giáo.

Đột phá chiến lược phải phá tan rào cản kìm hãm phát triển giáo dục- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại sự kiện.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn báo cáo vắn tắt về ngành GD&ĐT, về việc đổi mới căn bản, toàn diện, về đội ngũ các nhà giáo ở thời điểm hiện nay.

Theo Bộ trưởng, sau gần 40 năm đổi mới và đặc biệt là 10 năm triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo định hướng của Nghị quyết số 29, ngành GD&ĐT đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục phổ thông thay đổi mạnh mẽ chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học.

Trường học đã thay đổi từ hình thức bên ngoài tới chất lượng giáo dục bên trong. Giáo viên chủ động sáng tạo hơn, học sinh tự tin chủ động hơn, các hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá được đổi mới căn bản. Chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng nâng cao. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức. Các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện.

Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT.

Đột phá chiến lược phải phá tan rào cản kìm hãm phát triển giáo dục- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt chúc mừng các nhà giáo.

Ngành giáo dục và đào tạo cũng tiên phong trong việc chuyển đổi số. Trong 3 năm 2022-2024 hoàn thành việc xây dựng 100% các cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục từ mầm non, phổ thông;

Lần đầu thực hiện thành công việc kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm và thực hiện thanh toán 100% lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến, thanh toán học phí không dùng tiền mặt; thí điểm triển khai học bạ điện tử đối với tiểu học vào năm 2023 và triển khai học bạ điện tử đại trà với giáo dục phổ thông từ năm 2024.

Có được những kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội, cùng sự nỗ lực của các thầy cô giáo và toàn thể học sinh, sinh viên. Đó cũng là nhờ truyền thống hiếu học, trọng học, trọng tri thức và hiền tài của dân tộc được kế tục và được nhân lên trong thời đại mới.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, giáo dục nước ta còn đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Trong đó, có lẽ lớn nhất là thách thức từ bên trong, từ chính trong quá trình đổi mới giáo dục. Đó là thách thức của sự đổi mới, vượt lên chính mình, phủ định chính mình như sự lột xác để phát triển.

Đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới nền giáo dục phải thay đổi cho được các thói quen, lối tư duy, cách nghĩ và cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để phát triển bứt phá.

Đột phá chiến lược phải phá tan rào cản kìm hãm phát triển giáo dục- Ảnh 3.

GS.TS Đặng Hoàng Minh gửi gắm nhiều kỳ vọng tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Muốn giáo dục vượt qua những thách thức, ngành giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo cần nỗ lực vô cùng lớn và sáng tạo không ngừng, giải pháp trúng, đúng thì mới có thể thực hiện được.

"Để giáo dục làm được việc đó, vô cùng trông mong lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội đã quan tâm lớn, thì cần quan tâm lớn hơn nữa, để quốc sách hàng đầu thực sự là hàng đầu trong các quốc sách.

Cần quan tâm thiết thực hơn, kịp thời hơn nữa để đột phá chiến lược thực sự là đột phá, là phá tan đi những rào cản cho sự phát triển giáo dục, để nền giáo dục không còn là nền giáo dục lúc nào cũng bền vững trong sự vượt khó, vượt nghèo, lúc nào cũng dạy tốt học tốt trong mọi hoàn cảnh khó khăn", Bộ trưởng phát biểu.

Thay mặt đội ngũ nhà giáo GS.TS Đặng Hoàng Minh - Giảng viên Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN chia sẻ: "Chúng tôi ý thức rất rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong tiếp bước truyền thống quý báu của nhiều thế hệ thầy cô đi trước, trong ươm tạo và vun trồng các mầm xanh tương lai, trong rèn luyện và nâng cao năng lực của bản thân đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới".

Trong hành trình nhiều thách thức nhưng đầy ý nghĩa này, bà Đặng Hoàng Minh vô cùng kỳ vọng Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tạo điều kiện, tin tưởng vào đội ngũ các nhà giáo, ban hành nhiều chính sách phù hợp trong sử dụng, tuyển dụng, thu hút, đãi ngộ đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là các nhà giáo, nhà khoa học trẻ, xuất sắc trong tương lai cũng như các thầy cô giáo ở vùng cao, vùng xa còn nhiều khó khăn, vất vả.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.