EU muốn Mỹ làm điều này để khí đốt Nga không bị “khóa van”

EU muốn Mỹ làm điều này để khí đốt Nga không bị “khóa van”

Chủ nhật, 08/12/2024 06:00

Các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra ngay cả sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin “nới tay” cho phép khách hàng nước ngoài không nhất thiết phải giao dịch qua Gazprombank khi mua khí đốt Nga.

Liên minh châu Âu (EU) đang thúc giục Mỹ tìm cách giảm nhẹ lệnh trừng phạt của nước này đối với Gazprombank – một tổ chức tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì dòng khí đốt Nga chảy vào khối.

Các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra ngay cả sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin "nới tay" cho phép khách hàng nước ngoài không nhất thiết phải giao dịch qua Gazprombank khi mua khí đốt Nga. Đây là một động thái nhằm ngăn chặn tác động từ các lệnh hạn chế của Mỹ.

EU và Mỹ đang thảo luận về loại hình và phạm vi của các biện pháp giảm nhẹ sau khi một số chính phủ và công ty châu Âu cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt sẽ gây ra rủi ro cho an ninh nguồn cung của khu vực, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết.

Theo nguồn tin của Bloomberg, các lựa chọn đang được xem xét trong các cuộc đàm phán bao gồm liệu các khoản thanh toán có thể được thực hiện hợp pháp thông qua một công ty con của Gazprombank có trụ sở tại Luxembourg hay không, hoặc liệu có nên sử dụng các kênh thanh toán khác hay không.

EU muốn Mỹ làm điều này để khí đốt Nga không bị “khóa van”- Ảnh 1.

Gazprombank vẫn là ngân hàng duy nhất được ủy quyền xử lý thanh toán đối với khách hàng nước ngoài mua khí đốt Nga. Ảnh: WSJ

Trong khi sắc lệnh của Tổng thống Putin về bãi bỏ yêu cầu thanh toán trực tiếp qua Gazprombank đã giúp xoa dịu thị trường khí đốt châu Âu, thì nó lại làm phức tạp thêm hệ thống thanh toán và khiến các tổ chức tài chính vẫn không chắc chắn về các rủi ro pháp lý.

Tháng trước, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngân hàng Nga trong bối cảnh Washington tăng cường các nỗ lực trừng phạt Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine.

Dưới áp lực từ châu Âu nơi đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt nghiêm trọng kể từ xung đột Nga-Ukraine, Mỹ trước đó đã hoãn trừng phạt Gazprombank. Trong khi đó, EU đã nỗ lực tăng cường nguồn cung thay thế, bao gồm cả nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.

Tỉ trọng khí đốt qua đường ống của Nga trong lượng khí đốt nhập khẩu của EU đã giảm từ hơn 40% vào năm 2021 xuống còn khoảng 8% vào năm ngoái. Đối với cả khí đốt qua đường ống và LNG kết hợp, Nga chỉ chiếm chưa đến 15% lượng nhập khẩu.

Gã khổng lồ Á-Âu hiện đứng sau Na Uy, quốc gia đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu của khối với 30% thị phần và Mỹ, quốc gia cung cấp 19% lượng khí đốt của châu Âu.

Theo sắc lệnh mới nhất của ông Putin, khách hàng nước ngoài hiện được phép sử dụng các ngân hàng khác để đổi tiền sang đồng Rúp trước khi chuyển khoản. Nhưng Gazprombank vẫn là tổ chức duy nhất được ủy quyền thanh toán.

Các ngân hàng khác sẽ hoan nghênh bất kỳ giải pháp nào mà có thể đảm bảo rằng họ không vô tình vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Vào năm 2022, Gazprom đã thay đổi cách chấp nhận thanh toán từ khách hàng châu Âu, yêu cầu thanh toán bằng Rúp thông qua Gazprombank.

Ba Lan và Bulgaria đã bị cắt đứt nguồn cung khí đốt Nga vào năm 2022 vì từ chối thanh toán bằng đồng Rúp, nhưng Slovakia và Hungary vẫn nhận được khí đốt qua đường ống của Nga. Chính phủ tại Budapest đã gửi yêu cầu miễn trừ tới Mỹ vào đầu tuần này.

Minh Đức (Theo Bloomberg)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.