Báo Tuổi Trẻ đưa tin, theo kế hoạch, ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và chốt việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu tại phiên họp thứ 25 diễn ra trong tháng 7/2018.
Cụ thể, theo thông báo của văn phòng Chính phủ, bộ Tài chính được phân công chuẩn bị tờ trình và dự thảo nghị quyết của ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội đã hoàn tất báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường, được Chính phủ trình đầu tháng 5 vừa qua.
Tại cuộc họp của Thường trực ủy ban Tài chính và Ngân sách diễn ra tuần trước, cơ bản các ý kiến đã nhất trí với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lên kịch khung.
Cụ thể, theo đề xuất của Chính phủ, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được kiến nghị tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/ lít.
Trong khi đó mức thuế này với dầu diesel tăng thêm 500 đồng, lên 2.000 đồng/ lít, dầu ma-zút tăng 900 đồng lên 2.000 đồng/ kg.
Để những đề xuất trên thành hiện thực, theo quy định, ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, và thông thường sẽ có hiệu lực sau 45 ngày ký.
Tuy nhiên, thời điểm áp dụng tăng thuế hiện nay đang được cơ quan chức năng cân nhắc có thể là từ ngày 1/8 theo cơ chế đặc biệt hoặc từ ngày 1/10.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cũng cho hay không thể tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào tháng 9 do đây là thời điểm giá dịch vụ giáo dục tăng.
Chuyên gia Lê Xuân Trường, học viện Tài chính nhận định, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng thì chắc chắn giá xăng cũng sẽ tăng ngay.
Về tác động tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng vụ Thống kê giá, tổng cục Thống kê, ước tính thuế xăng dầu tăng sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,27-0,29%.
Để lạm phát cả năm đạt mục tiêu 4% như Quốc hội, Chính phủ giao, tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị không tăng giá các mặt hàng, dịch vụ mà nhà nước đang kiểm soát cùng một thời điểm.
Trước đó, sau khi dự thảo luật thuế này được công bố để lấy ý kiến dư luận, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự quan ngại về tác động của chính sách trên đối với toàn nền kinh tế.
Trả lời báo Công An Nhân Dân hôm 21/5/2018, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng,hiện thu nhập bình quân của nước ta đã ở ngưỡng trung bình nhưng vẫn là mức trung bình thấp của thế giới, nếu đánh thuế cao trong khi mức sống của người dân còn thấp là điều chưa nên.
H.Y (tổng hợp)