Gia Lai: Thông tin mới vụ hàng trăm ha cao su vô chủ trên đất rừng

Gia Lai: Thông tin mới vụ hàng trăm ha cao su vô chủ trên đất rừng

Hồ Hải Nam

Hồ Hải Nam

Thứ 6, 19/07/2024 21:34

Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai tiếp tục phối hợp với đơn vị công an điều tra, xác minh chủ sở hữu của hàng trăm ha cao su vô chủ.

Công an vào cuộc

Chiều ngày 19/7, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức họp báo, thông báo tình hình kinh tế, xã hội trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chủ trì cuộc họp báo.

Tại cuộc họp, nhiều phóng viên thắc mắc về vụ việc hàng trăm ha cao su trồng trái phép trên đất rừng hơn 10 năm qua, nhưng cơ quan chức năng chưa xác định được ai là chủ sở hữu.

Được sự ủy quyền của người chủ trì, trả lời về vấn đề này ông Trương Thanh Hà, Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, giai đoạn năm 2008 đến 2019 có đến 1.228ha rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch quản lý bị lấn chiếm. Trong đó, có 359ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây cao su, nhưng hiện vẫn chưa xác định ai là chủ sở hữu.

Theo ông Hà, sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Chư Prông kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh. Quá trình thành lập đoàn công tác đi kiểm tra thực tế hiện trường, nhưng vẫn chưa thể xác định được chủ sở hữu của hàng trăm ha cao su vô chủ.

Gia Lai: Thông tin mới vụ hàng trăm ha cao su vô chủ trên đất rừng- Ảnh 1.

Hàng trăm ha cao su vô chủ trên đất rừng.

Ngày 8/7, UBND tỉnh Gia Lai có công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, xác minh. Đồng thời, đề nghị Công an tỉnh Gia Lai chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra kiểm tra hồ sơ, tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.

Sau khi có kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai sẽ xử lý trách nhiệm của đơn vị, cá nhân vi phạm và đơn vị chủ rừng theo quy định pháp luật.

Chuyển đổi kém hiệu quả, cây chết nhiều

Cũng tại cuộc họp, nhiều ý kiến thắc mắc, trước đó UBND tỉnh Gia Lai thực hiện việc chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su, đến nay dự án có mang lại hiệu quả kinh tế hay không?

Trả lời về vấn đề này, ông Trương Thanh Hà, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan rà soát, đánh giá lại toàn diện để báo cáo chính phủ.

Theo ông Hà, trong giai đoạn 2008-2011, được chính phủ đồng ý cho chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo, UBND tỉnh Gia Lai đã cho phép 16 doanh nghiệp triển khai 44 dự án ở các huyện Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai, Đức Cơ, Ia Pa trồng hơn 25.500ha cao su.

Gia Lai: Thông tin mới vụ hàng trăm ha cao su vô chủ trên đất rừng- Ảnh 2.

Diện tích cao su chuyển đổi kém hiệu quả, cây chết nhiều.

Đến năm 2018, Bộ NN&PTNT kiểm tra, xác định có hơn 12.000ha cây cao su bị chết, kém phát triển, nguyên nhân chủ yếu là lập địa rừng khộp biến động mạnh, đất đai thổ nhưỡng không phù hợp.

Trên cơ sở đánh giá thực tế, Bộ NN&PTNT báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích hơn 12.000ha này sang trồng cây lâm nghiệp khác.

Nhưng đến nay, qua hơn 5 năm triển khai, tỉnh Gia Lai vẫn chưa có mô hình chuyển đổi nào được đánh giá là thành công và phù hợp để có thể nhân rộng.

Trong khi đó, diện tích cây cao su chết ngày càng nhiều hơn. Kết quả kiểm tra cho thấy có hơn 9.000ha cao su sinh trưởng bình thường, hơn 14.000ha cao su kém phát triển, còn lại 2.44 ha cao su bị chết.

"Về mức độ, tính hiệu quả của việc chuyển đổi 50. 000ha rừng nghèo qua trồng cao su là chủ trương của chính phủ, trải dài trên địa bàn các huyện, diện tích rất lớn. Hiện, chưa có hướng dẫn đánh giá toàn diện của chính phủ", ông Hà nói.

Trước đó, Người Đưa Tin đã phản ánh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch đang quản lý 359ha cao su trong lâm phần của mình, nhưng không xác định đơn vị nào đã trồng không phép diện tích cao su này trên đất rừng, cũng không hề biết hiện nay ai đang khai thác, nguồn mủ cao su khai thác đi về đâu. Chính quyền địa phương cũng không rõ diện tích cao su này của đơn vị nào trong khi hàng ngày vẫn được khai thác bình thường.

Hiện trên địa bàn xã Ia Puch có hơn 9.000 ha cao su của 5 công ty, gồm Cao su Trung Nguyên, Bình Dương, Quang Đức, Quốc Cường Gia Lai, Cao su Chư Prông. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã phục hồi điều tra vụ việc hủy hoại 359 ha rừng để trồng cao su xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch.

Theo hồ sơ vụ án, trong 2 năm 2010 và 2011, UBND tỉnh Gia Lai ban hành 4 quyết định thu hồi đất rừng thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch để giao Công ty Bình Dương chuyển sang trồng cao su.

Thời gian này, dưới sự chỉ đạo của Trần Văn Khanh, Giám đốc và Dương Công Tư, Trợ lý Phòng Kế hoạch kinh doanh, Công ty Bình Dương đã khai thác vượt phạm vi cho phép, hủy hoại hơn 631,1 ha rừng (trong đó có 9,97 ha rừng phòng hộ thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr). Năm 2015, Trần Văn Khanh và Dương Công Tư bị bắt. Tháng 10/2019, Tòa án Quân sự Quân khu 5 đã tuyên phạt Khanh 6 năm tù, Tư 3 năm tù về tội Hủy hoại rừng.

Hồ Nam

Xem thêm: 

Gia Lai: UBND tỉnh chỉ đạo xác minh vụ 359 ha cao su vô chủ trên đất rừng

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.