Né tránh trách nhiệm, đùn đẩy tiếp dân là câu chuyện không còn mới ở nhiều cơ quan, đơn vị. Vấn đề này cũng đã nhiều lần được đem ra bàn thảo để có những giải pháp hữu hiệu.
Vừa qua, trong nội dung làm việc phiên họp thứ 14, ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng vừa cho ý kiến vào các báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017. Nhiều ý kiến đã đưa ra nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này, mục đích cuối cùng là không tồn đọng các vụ việc, không để khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp gia tăng là có một phần do lợi ích cá nhân.
"Thường trực ủy ban Pháp luật đã nghe và có ý kiến. Thực tế, việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo giảm nhưng con số chưa thực chất, phân tích đánh giá chưa thấu đáo, tình trạng người dân tiếp khiếu đã tồn tại nhiều năm.
Nguyên nhân có nhiều, trong đó phải kể đến năng lực, trình độ giải quyết ở mức độ, đó là hạn chế của cán bộ. Trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết chưa đầy đủ. Đặc biệt, xác định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu không có số liệu cụ thể. Qua đó cho thấy, cần có báo cáo cụ thể, giải pháp mang tính đột phá, đi vào thực chất, vì đa số nội dung vẫn giống các năm trước, đó chính là tồn tại rất lớn trong báo cáo", ĐBQH Bùi Văn Xuyền nói.
Ông cũng nêu quan điểm cá nhân: "Tôi cho rằng, một phần lợi ích của người có trách nhiệm tạo ra sự nể nang, né tránh. Nếu giải quyết đúng sẽ xuất hiện hậu quả của những người tiền nhiệm. Thậm chí, có những vụ việc muốn giải quyết phải thay đổi quyết định của những lãnh đạo trước đó. Bởi né tránh, thiếu khách quan, chưa thực sự nhìn thẳng vào sai phạm, yếu kém của một số cán bộ cơ quan Nhà nước nên dân càng bức xúc.
Thực tế, có những vướng mắc do cơ chế, chính sách pháp luật thiếu rõ ràng, chồng lấn, sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền, của cấp trên, cấp dưới chưa tốt. Đơn thư, khiếu nại kéo dài nhiều năm dẫn đến phản ứng không hay.
Nhưng không ai đùn đẩy được trách nhiệm vì thẩm quyền của cá nhân đã quy định rõ ràng trong luật. Điều quan trọng nhất trong giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo là người dân tâm phục, khẩu phục, chấp nhận giữa căn cứ luật pháp và thực tiễn. Cần rõ ràng, công khai, minh bạch, giải trình, thuyết phục, đối thoại một cách thấu đáo. Cán bộ làm công tác này phải có tâm huyết, trách nhiệm với người dân, không để bức xúc kéo dài. Cần thiết sửa cơ chế chính sách thì cơ quan có trách nhiệm phải có động tác, kể cả là sửa luật. Nhưng đây không phải vấn đề ngày một ngày hai mà cần có thời gian".
Còn theo ý kiến của ĐBQH Lê Công Nhường, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, để chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp gia tăng, đừng việc gì cũng chờ họp liên ngành.
"Có hiện tượng đùn đẩy, không ai chịu trách nhiệm chính, cái gì cũng chờ họp liên ngành. Nhưng không phải vấn đề gì họp liên ngành cũng đưa ra kết luận thỏa đáng.
Thậm chí ở một số nơi, cán bộ chỉ chú ý giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo theo tiêu chí “an toàn” nên người dân không thỏa đáng, bắt buộc phải khiếu kiện vượt cấp. Thêm nữa, hiện tượng “cha chung không ai khóc”, một vụ việc nhưng quá nhiều đầu mối, người dân không biết đâu mới là địa chỉ chính xác giải quyết nỗi oan của mình. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người dân cũng đòi hỏi hơi quá so với những gì mà cơ quan chức năng có thể giải quyết.
Để triệt tiêu biểu hiện nể nang, ngại va chạm cần phân rõ trách nhiệm của người đứng đầu, giải quyết các vụ việc không lệ thuộc cơ chế phối hợp. Khi đã giải quyết là giải quyết dứt điểm, không để xảy ra tình trạng “hồi tố”", ông Nhường đưa ý kiến.