Trong tháng 8 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đề xuất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020 về quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.
Dự thảo hiện đang được lấy ý kiến, một trong những điểm mới được đông đảo giáo viên quan tâm liên quan đến việc thi hành.
Theo đó, tại Khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71 nêu:
"Những giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đã được cấp bằng tốt nghiệp đạt yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học đang giảng dạy kể từ ngày 1/7/2020 nhưng chưa được cơ quan, đơn vị nào thanh toán học phí đào tạo thì được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo.
Mức tiền được truy lĩnh, chi trả bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo tại thời điểm giáo viên theo học. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thanh toán kinh phí đào tạo hướng dẫn cụ thể danh mục chứng từ giáo viên cần cung cấp để được thanh toán trong trường hợp quy định tại khoản này".
Như vậy, khi Nghị định được thông qua và có hiệu lực, những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo của cấp học đang giảng dạy kể từ ngày 1/7/2020 tự bỏ tiền học phí để học đạt chuẩn và đã được cấp bằng nhưng chưa được cơ quan, đơn vị nào thanh toán học phí đào tạo thì được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo.
Khó khăn đặt hàng đào tạo, giáo viên phải tự túc đi học
Trong năm 2022 và năm 2023, tỉnh Yên Bái là một trong những địa phương có tỉ lệ cao giáo viên phải tự túc kinh phí đào tạo nâng chuẩn. Trước những đề xuất mới, Người Đưa Tin (NĐT) đã cuộc trao đổi với ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái về thực trạng này.
NĐT: Xin ông cho biết thời gian qua tại tỉnh Yên Bái đang gặp những khó khăn, bất cập gì trong việc tổ chức thực hiện lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS?
Ông Đào Anh Tuấn: Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo được tham gia các lớp đào tạo nâng chuẩn, đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Yên Bái cũng như nhiều địa phương khác còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, việc quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo còn có những bất cập, số lượng giáo viên đăng ký theo ngành đào tạo không đủ để mở lớp, khó cử giáo viên đi đào tạo ở những nơi đang thiếu giáo viên,..
Thực tế cho thấy số lượng giáo viên chủ động tìm cơ sở đào tạo và tự túc kinh phí đi học nhiều hơn số giáo viên được cử đi đào tạo và được hỗ trợ về kinh phí theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP.
Không có nguồn kinh phí để chi trả
NĐT: Với 3 đề xuất nhằm khắc phục những vướng mắc của Bộ GD&ĐT đưa ra, trong đó, nổi bật là yêu cầu: "Bổ sung quy định thanh toán học phí đào tạo cho những giáo viên". Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái có ý kiến góp ý gì về những đề xuất trên.
Ông Đào Anh Tuấn: Với 3 đề xuất nhằm khắc phục những vướng mắc của Bộ GD&ĐT, chúng tôi đánh giá đây là giải pháp tháo gỡ khó khăn của các địa phương trong quá trình thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Điều này cũng góp phần đảm bảo quyền lợi của giáo viên công lập và ngoài công lập, giáo viên tự đi đào tạo và giáo viên được tham gia đào tạo do địa phương tổ chức.
Qua tổng hợp ý kiến đóng góp của giáo viên, 100% ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo đặt biệt là quy định về "Bổ sung quy định thanh toán học phí đào tạo cho những giáo viên đã tự đi học và được cấp bằng kể từ ngày 1/7/2020".
Tuy nhiên, đối với việc bổ sung quy định thanh toán chi phí cho giáo viên tỉnh Yên Bái gặp khó khăn về nguồn kinh phí chi trả. Dự kiến có khoảng 1.380 giáo viên được chi trả, số tiền dự tính cần chi trả khoảng 35 tỷ đồng. Do nguồn Ngân sách địa phương hạn hẹp, khó có thể đáp ứng việc chi trả. Do đó, đề nghị trong Nghị định ghi rõ ngân sách Trung ương hỗ trợ.
NĐT: Hiện nay, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái có những giải pháp gì để giải quyết những khó khăn, hỗ trợ giáo viên được đào tạo nâng trình độ chuẩn nhằm phù hợp với thực tiễn điều kiện của địa phương?
Ông Đào Anh Tuấn: Trong tình trạng đội ngũ giáo viên tỉnh Yên Bái thiếu rất nhiều, năm học 2024-2025 toàn tỉnh thiếu hiện thiếu 1.810 giáo viên, trong đó mầm non thiếu 190, tiểu học thiếu 571, THCS thiếu 773, THPT thiếu 276.
Để thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo Nghị định số 71 các cơ sở giáo dục đã phải sắp xếp đội ngũ, tạo điều kiện để giáo viên tham gia học nâng chuẩn theo quy định. Ngoài ra, tùy theo ngân sách của đơn vị, các thầy cô được hỗ trợ 1 phần công tác phí khi tham gia đào tạo nâng chuẩn.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của ông!
Trước những đề xuất của Bộ GD&ĐT, trao đổi với Người Đưa Tin, cô Phạm Thị Liên - Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang bày tỏ điều này thể hiện sự quan tâm của Bộ GD&ĐT đối với sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nước nhà.
Tuy nhiên, cô Phạm Thị Liên băn khoăn: "Mặc dù dự thảo đã đề cập đến việc thanh toán học phí cho giáo viên tự học nâng cao trình độ, tôi cho rằng cần có cơ chế rõ ràng và cụ thể hơn để đảm bảo quyền lợi tài chính cho giáo viên. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế và khuyến khích giáo viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ".
Cùng với đó, dự thảo nên xem xét các phương thức đào tạo linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện địa phương và đặc thù của từng môn học. Việc này giúp đảm bảo mọi giáo viên, đặc biệt là những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, có cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo chất lượng.
"Bộ GD&ĐT cũng nên có thêm các chính sách khuyến khích giáo viên tự nguyện tham gia các chương trình nâng cao trình độ, chẳng hạn như các hình thức khen thưởng hay công nhận trong quá trình công tác. Điều này sẽ thúc đẩy tinh thần học tập và phát triển bản thân của giáo viên", cô Phạm Thị Liên bày tỏ.
Việc thúc đẩy văn hóa học tập liên tục cũng là nội dung mà cô Liên kiến nghị. Theo cô giáo cần khuyến khích các trường học tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề, hay các nhóm học tập để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức mới.
Có thể tập trung vào các chủ đề cụ thể, ví dụ như ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, hoặc các phương pháp đánh giá hiệu quả. Việc tạo ra môi trường học tập tích cực và liên tục sẽ thúc đẩy giáo viên cập nhật kiến thức và phát triển kỹ năng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng giảng dạy.