Giáo viên trường chuyên biệt: Lấy sự tiến bộ của học trò làm động lực

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 5, 15/02/2024 10:00

Hơn 10 năm trong nghề, mỗi năm học mới bắt đầu cô giáo Nguyễn Thị Dang lại trăn trở làm thế nào giúp học sinh của mình tiến bộ từng ngày.

Là giáo viên dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ, cô giáo Nguyễn Thị Dang - Tổ phó chuyên môn, Chủ tịch công đoàn Trường chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vì luôn trăn trở vì sự tiến bộ của học sinh.

Cô là giáo viên có hoạt động tích cực trong công tác tuyển sinh của nhà trường, tìm ra nhiều giải pháp khắc phục các hành vi bất thường cho học sinh khuyết tật, tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh khuyết tật. Hai năm liền bản thân cô có sáng kiến được công nhận có phạm vi ảnh hưởng trong nghành giáo dục tỉnh.

Tháng 11/2023, cô giáo Nguyễn Thị Dang cũng vinh dự là một trong 60 nhà giáo tiêu biểu được trao bằng khen của Bộ GD&ĐT đến gặp mặt, chia sẻ với Thủ tướng Chính phủ.

Trước những thành tích đã đạt được, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với cô Nguyễn Thị Dang để lắng nghe những tâm tư của người thầy dạy học sinh trường chuyên biệt.

“Mọi người làm được, tôi cũng làm được”

NĐT: Là một cô giáo trẻ, chọn làm giáo viên đã khó vì sao cô lại quyết định chọn nghề giáo dạy những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt như vậy?

Cô Nguyễn Thị Dang: Đã có nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi này, những lúc đó tôi cũng chỉ cười vui và đáp lại nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì việc khổ, việc khó dành cho ai.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn, ngay từ nhỏ đã có ước mơ trở thành một giáo viên. Ước mơ đó được nuôi dưỡng cho đến khi tôi học cấp 3 và bước ngoặt khi lần đó được đi đến trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật cùng với người cô của mình.

Trước đấy cũng chỉ được xem, được nghe nhưng khi chứng kiến tôi mới cảm thấy các bé ở đây thật đáng thương, các em rất thiệt thòi, khó khăn về mọi mặt. Bản thân mình rất đồng cảm và muốn làm gì đó để giúp đỡ và phát triển tiềm năng cho những em này. Lúc đó, cũng không có quá nhiều lo lắng, chỉ thấy ở đấy các thầy cô giáo họ vẫn làm nghề được thì nghĩ không có gì là mình không làm được.

Sau lần đó, tôi tìm hiểu và biết được có ngành đào tạo giáo viên dạy cho những bé này nên đã quyết định đăng ký thi vào ngành Giáo dục đặc biệt của Trường Đại Học Quy Nhơn. Rồi gắn với nghề giúp đỡ các em nhỏ từ khi còn là sinh viên, khi ra trường khoảng một năm thì tôi về công tác tại Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn.  

Giáo dục - Giáo viên trường chuyên biệt: Lấy sự tiến bộ của học trò làm động lực

 Cô giáo Nguyễn Thị Dang phát biểu tại buổi gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

NĐT: Trong quá trình giảng dạy, đâu là những khó khăn khi làm nghề và bằng cách nào cô đã vượt qua thử thách trong suốt hơn 10 năm làm giáo viên cho trẻ em trường chuyên biệt?

Cô Nguyễn Thị Dang: Cái khó nhất là mỗi em lại có một tính cách, sở thích và trường hợp đặc biệt khác nhau, không ai giống ai. Chính vì vậy mình phải mất rất nhiều thời gian tìm hiểu về thói quen, sở thích, lưu ý khi dạy các em.

Mỗi buổi học cũng chia làm các tiết, mỗi tiết 35 phút, học sinh sẽ được học Toán, Tiếng Việt và các môn chuyên biệt như Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng tự phục vụ, Kỹ năng xã hội và những môn học đặc thù khác.

Hiện nay trong lớp tôi đang phụ trách 11 bạn, có bạn thích chơi, không thích học, có em giảm chú ý, không tự chủ, tất cả những điều này là giáo viên luôn phải nhớ và hiểu rõ. Người thầy phải vừa truyền tải kiến thức nhưng cũng phải biết xử lý những tình huống bất ngờ trong khi dạy.

Tuy nhiên, cũng chính các em là động lực để tôt vượt qua những khó khăn. Nhiều bạn dù đã học xong, đủ điều kiện theo học ở trường ngoài cộng đồng nhưng hằng năm vẫn tới thăm tôi. Dù chỉ là những hành động nhỏ, bình thường nhưng với những đứa trẻ đặc biệt là sự nỗ lực rất lớn của chính các em, gia đình và thầy cô.

Giáo dục - Giáo viên trường chuyên biệt: Lấy sự tiến bộ của học trò làm động lực  (Hình 2).

Cô Dang được trao bằng khen nhà giáo tiêu biểu năm 2023.

Sự tiến bộ của học sinh là động lực gắn bó với nghề

NĐT: Từ đâu cô lại có những ý tưởng, sáng kiến nhằm hỗ trợ cho học sinh dễ dàng tiếp thu các kỹ năng hơn?

Cô Nguyễn Thị Dang: Trẻ em khuyết tật chịu rất nhiều thiệt thòi, vào trường không chỉ riêng tôi mà tất cả các thầy cô, cán bộ quản lý, các nhân viên nơi đây đều rất tận tình quan tâm, dạy dỗ các em, luôn mong muốn đem những điều tốt đẹp nhất đến với các em.

Vì hầu hết các em ít tập trung đến việc học, cho nên mỗi năm nhận lớp tôi luôn trăn trở, tìm tòi những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật. Các biện pháp mà tôi hướng tới là làm sao hỗ trợ kỹ năng tập đọc cho trẻ khó khăn về học, hay một số biện pháp tạo hứng thú học toán cho học sinh lớp 2 - Chậm phát triển trí tuệ,…

Trong khoảng thời gian dịch bệnh, các em không có sách nên rất khó để phụ huynh ở nhà dạy được các em. Chính vì vậy tôi đã xây dựng sổ tay kỹ năng xã hội thông qua những câu chuyện ngắn, súc tích nhưng bao hàm kiến thức dạy để các em hứng thú hơn, dễ tiếp thu hơn.

Khi áp dụng những sáng kiến này để giảng dạy đã giúp các em tự tin hơn, hiệu quả học tập, các em thích được đi học, gắn bó với trường với lớp hơn, nâng cao khả năng hòa nhập và được phụ huynh rất tin tưởng.

Giáo dục - Giáo viên trường chuyên biệt: Lấy sự tiến bộ của học trò làm động lực  (Hình 3).

Sự ghi nhận là động lực của các thầy cô tiếp tục phấn đấu trong sự nghiệp trồng người.

NĐT: Là một công việc đặc thù, nghề giáo dạy học sinh trường chuyên biệt đòi hỏi gì khác so với những cô giáo bình thường, thưa cô?

Cô Nguyễn Thị Dang: Dạy những học sinh đặc biệt thì cần phải có tình yêu thương với các em cũng phải đặc biệt hơn rất nhiều lần. Nếu giáo viên không có tâm huyết, kiên nhẫn thì rất khó để sống và bám trụ với nghề.

Không giống như các em nhỏ khác, học sinh của tôi cần rất nhiều thời gian mới có thể tiến bộ và sự tiến bộ ở mức độ rất nhỏ, vì vậy nếu không có sự thấu hiểu, đồng hành sẽ rất khó để dạy dỗ các em.

Nhưng tình yêu thương là chưa đủ, dù là nghề nào sự tìm tòi, sáng tạo là không thể thiếu. Cùng một nội dung nhưng người giáo viên phải trăn trở làm sao, bằng cách nào để các em hiểu được, ghi nhớ và làm theo. Và chính những thay đổi của học trò lại sẽ là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho thầy cô.

NĐT: Sang năm 2024, Luật Nhà giáo sẽ được đưa ra thảo luận, bộ luật thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với các nhà giáo. Cô có những mong muốn gì gửi gắm đến ngành giáo dục?

Cô Nguyễn Thị Dang: Hiện nay, các thầy cô giáo đều được sự quan tâm hết sức của các cơ quan, bộ ngành. Tôi mong muốn trong thời gian tới những kỳ vọng, tiếng nói của giáo viên sẽ được tiếp tục được quan tâm hơn nữa. Sẽ có những chính sách hỗ trợ, động viên để thầy cô giáo yên tâm làm nghề và cảm thấy sự hy sinh, cống hiến của mình được ghi nhận, từ đó có động lực để tiếp tục cống hiến với nghề.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của cô!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.