Chiều muộn 12/9, tại khu vực họp chợ ở chân cầu Rào trên địa bàn quận Hải An, Tp.Hải Phòng, khi phóng viên hỏi giá rau muống, chị bán hàng trung tuổi chỉ vào mớ rau chỉ bằng khoảng 1/2 so với trước bão rồi "hét" giá 25.000 đồng/mớ. Trong khi, trước đó mớ rau muống to gấp đôi chỉ có 12.000 - 13.000 đồng/mớ.
Tại hàng bán thịt lợn, khi khách hỏi giá thịt ba chỉ, chị bán hàng phúng phính mỡ trả lời lạnh tanh "trăm bảy một cân" (170.000 đồng/kg). Trong khi trước bão, thịt lợn ba chỉ được bán với giá 110.000 - 120.000 đồng/kg. Khách thắc mắc giá cao, chị bán hàng nói như đuổi "Không mua thì thôi, một hai hôm trước, còn hơn 200.000 đồng/kg".
Không chỉ có thịt lợn, rau muống, mà nhiều mặt hàng, nhất là các loại rau xanh, ở khu vực họp chợ ở chân cầu Rào tăng gấp 1 - 3 lần. Chỉ có một số mặt hàng, như đậu phụ, trứng các loại, giá cả hầu như không tăng hoặc tăng nhẹ.
Trao đổi với phóng viên, anh Minh Sơn, ở phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, Tp.Hải Phòng, cho biết, trưa 12/9, khi đi chợ ở chân cầu Rào, anh mua 1 mớ rau muống, 2 quả cà chua, 2 cây rau xà lách loại nhỏ và chút rau răm, hành lá, thì là. Khi người bán tính tiền, anh "tá hỏa" vì lên tới gần 90.000 đồng.
"Cùng lượng này, trước bão chỉ mất chừng 30.000 đồng. Đặc biệt, người bán rau muống không bán theo mớ mà theo cân. Tính ra mớ rau muống cũng khoàng 45.000 đồng", anh Minh Sơn than thở.
Trước đó, phóng viên khảo sát một vòng quanh các chợ ở nội thành Hải Phòng, như chợ Cát Bi (quận Hải An), chợ Lương Văn Can (quận Ngô Quyền), chợ Ga (quận Ngô Quyền)…, giá nhiều mặt hàng, nhất là rau xanh, tăng đột biến.
Trong khi đó, ở các cửa hàng thực phẩm, siêu thị, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu dồi dào, giá không tăng hoặc tăng nhẹ so với trước bão.
Lý giải cho việc không vào siêu thị mà chấp nhận mua ở chợ dân sinh với giá cao, chị Mai Dung, ở quận Hải An, Tp.Hải Phòng, chia sẻ, do mưa khiến nhiều tuyến đường ngập lụt, chị cũng như nhiều bà nội trợ quanh nhà chọn mua ở chợ dân sinh gần nhà, chủ yếu là rau, cá, thịt nấu cơm hằng ngày.
"Chẳng lẽ đi hơn 3km tới siêu thị chỉ để mua mớ rau, nửa cân thịt. Tôi chấp nhận mua đắt vài chục nghìn còn hơn đi xa trong điều kiện ngập lụt", chị Mai Dung chia sẻ.
Chị Mai Dung cho biết thêm, không phải tiểu thương nào cũng nhân lúc người khác khó khăn mà trục lợi. Tại một số hội, nhóm facebook, zalo, nhiều người về quê gom rau của cả thôn đưa vào nội thành bán "bình ổn giá" sau bão. Trong đó, giá rau muống, rau ngót chỉ 12.000 - 15.000 đồng/mớ, ngang bằng với mức giá trước bão.
Theo thông tin từ Sở Công Thương Tp.Hải Phòng, sau bão số 3, hầu hết mặt hàng thiết yếu: Gạo, mỳ, lương khô, bún miến, bánh đa, dầu ăn, đường sữa, trứng các mặt hàng rau xanh, rau củ; các mặt hàng thịt, thủy hải sản... tại các chợ được đơn vị khảo sát đều tăng ở các mức khác nhau.
Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa tăng 80 - 100%, chủ yếu đối với các mặt hàng thiết yếu. Khác với các khu vực chợ dân sinh, giá cả hàng hóa tại các siêu thị khá ổn định so với ngày thường, lượng hàng bán ra tăng 50 - 80%.
Đại diện Sở Công Thương Tp.Hải Phòng thông tin, vừa qua, đơn vị có Công văn số 3411/SCT-QLTM đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm… để phục vụ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với các mặt hàng thiết yếu.
Nhờ vậy, tính đến ngày 12/9/2024, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn Tp.Hải Phòng tương đối ổn định, nguồn cung dồi dào, phong phú (nguồn cung tăng 80 - 100%).
Bên cạnh đó, không có hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng hay hiện tượng găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân mặc dù lượng khách mua sắm tăng 100 - 120% so với ngày thường.
Tuy nhiên, việc tiểu thương tự ý tăng giá đối với các mặt hàng thiết yếu tại các chợ dân sinh rất khó kiểm soát. Vì thế, người dân nên dành thời gian tới các cửa hàng lớn hay siêu thị mua sắm để tránh bị ép giá.