Khi Lý Sảm lấy Trần Thị Dung, người gọi Trung Từ bằng cậu, thì Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ.
Sau khi Phạm Du bị giết chết, Trần Lý và Tô Trung Từ bèn mang quân đánh về kinh thành dẹp Quách Bốc để lập công với nhà Lý. Cuối năm 1209, loạn Quách Bốc bị dẹp, Trần Lý tử trận, Tô Trung Từ đón vua Cao Tông về cung. Do Phạm Du đã chết mà thế lực Trung Từ mạnh nên vua Cao Tông buộc phải dựa vào Trung Từ. Tô Trung Từ lúc đó quyền khuynh thiên hạ, tôn thất nhà Lý đều hợp mưu diệt ông mà không thành.
Ảnh minh họa
Tô Trung Từ phò vua Cao Tông ở kinh thành, trong khi thái tử Sảm vẫn ở Hải Ấp cùng các con Trần Lý là Trần Thừa và Trần Tự Khánh. Trung Từ muốn một mình cầm quyền nên quyết định giành lấy thái tử Sảm từ tay hai người cháu họ Trần. Đầu năm 1210, nhân vua Cao Tông bệnh nặng, muốn đón thái tử Sảm về kinh, Tô Trung Từ bèn giả mang quân bản bộ đi đánh quân phiến loạn ở Khoái Châu, nhân đó về Hải Ấp nắm lấy thái tử Sảm.
Không lâu sau, vua Cao Tông sai Đỗ Quảng tới chỗ ông để đón Lý Sảm. Cuối năm 1210, Lý Cao Tông chết, ủy thác cho đế sư Đỗ Kính Tu chăm lo cho thái tử. Thái tử Sảm lên ngôi, tức là Lý Huệ Tông. Tuy nhiên, không phải Đỗ Kính Tu mà Tô Trung Từ mới thực sự trở thành người nắm quyền trong triều.
Vừa lên ngôi, vua Huệ Tông sai đón vợ là Trần Thị Dung, nhưng Trần Tự Khánh không cho. Do lúc trước Trung Từ giành lấy Huệ Tông từ tay anh em họ Trần nên nảy sinh mâu thuẫn với Tự Khánh. Huệ Tông dùng quan Thái phó Đỗ Kính Tu làm Thái úy theo lời vua cha Cao Tông. Thấy quyền hành của Trung Từ quá lớn, Đỗ Kính Tu cố tìm cách chống lại Tô Trung Từ.
Tháng 12/1210, quan Chi hậu Phụng ngự là bọn Đỗ Quảng bắt Kính Tu đưa cho Tô Trung Từ. Ông sai dìm Kính Tu xuống nước cho chết ở bến Đại Thông. Nhưng các quan cựu thần nhà Lý vẫn tiếp tục mưu chống Trung Từ. Ít lâu sau, ông lại nghe tin Quan nội hầu Đỗ Thế Quy, Phí Liệt và chính Đỗ Quảng âm mưu phát binh để đánh mình, bèn dẫn quân đánh úp những người này trước.
Tuy nhiên khi sắp đánh, Trung Từ mới biết là quân số của ông ít hơn đám quân của Đỗ Quảng, Phí Liệt quá nhiều. Trung Từ bèn lập mưu lừa mấy người đó để tìm cách tăng thêm viện binh. Ông sai người đến nói với Quảng và Liệt rằng: "Chúa thượng mới vừa an táng, dân tình chưa yên, sao chẳng lui giáp binh đi, rồi tự về triều xem xét mà đồng mưu hiệp lực để khuông phò vương thất thì cũng không phải việc hay đó hay sao?"...
Đầu năm 1211, Huệ Tông lại sai người đi đón Trần Thị Dung. Lần này thì Trần Tự Khánh đồng ý để em gái về triều, sai hai tỳ tướng Phan Lân, Nguyễn Ngạnh cầm quân hộ tống. Khi quân hộ tống tới Thăng Long, đúng lúc Tô Trung Từ đang đánh nhau to với Đỗ Quảng. Trung Từ hợp binh với hai tướng Phan, Nguyễn phá tan quân của Quảng. Tới tháng sau thì Quảng bị bắt và bị xử chém.
Mặc dù là người nắm quyền bính trong triều, đa mưu túc trí trong chính sự nhưng cuối cùng, Tô Trung Từ lại chết vì tư thông với công chúa Thiên Cực. Chuyện là tuy tạm dẹp được các cựu thần nhà Lý nhưng chính nội bộ của Tô Trung Từ cũng không yên ổn. Bộ tướng của ông là Nguyễn Tự muốn giết con rể ông là Nguyễn Ma La và định phản ông.
Tướng dưới quyền của Tự là Nguyễn Giai báo cho Trung Từ biết. Ông bèn tước binh quyền của Nguyễn Tự. Tự sợ hãi bỏ trốn sang Quốc Oai và sau này cát cứ tại đây. Tình hình tạm yên, Tô Trung Từ lại sa vào thanh sắc. Ông say mê công chúa Thiên Cực.
Vào một đêm tháng 6/1211, ông sang Gia Lâm tư thông với công chúa Thiên Cực, bị chồng của công chúa là Quan nội hầu Vương Thượng bắt quả tang và giết chết.
Luật xưa: Vương Thượng phạm tội giết người
Chỉ vì ham mê tửu sắc mà Tô Trung Từ phải bị chết thì quả là quá oan ức. Nhưng thời xưa, luật pháp nhà Lý khi đó quy định, nếu nam nữ tư thông mà bị bắt quả tang, người chồng có thể kết liễu mạng sống của tình địch mà không bị tội. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thời nay thì hành vi giết chết Tô Trung Từ của Quan nội hầu Vương Thượng phải bị xử lý theo quy định tại Điều 93 BLHS về tội giết người. Theo đó, người nào giết người được quy định trong khoản 1 Điều 93 thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
Đối chiếu với những quy định trên của Điều 93 BLHS ngày nay thì Quan nội hầu Vương Thượng đã phạm tội giết người.
Tường Linh