Vỏn vẹn trong diện tích vài chục mét vuông nhưng có đến hàng trăm loại rau, củ, quả, thịt, cá,… được bày bán với nguồn gốc, xuất sứ ghi rõ ràng trên từng loại bao bì khác nhau, từ khoảng hơn 2 tháng nay, cửa hàng UCA Mart trên phố Mạc Thái Tông đã trở thành điểm đến quen thuộc với nhiều người dân sống xung quanh và cả những khách hàng từng một lần tình cờ đi qua. Thời điểm PV có mặt, số lượng khách đến không quá đông, tuy nhiên, khi đến thanh toán, khách hàng lại lựa chọn khá nhiều.
Chị Hồng Lam (Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) vừa đón con đi học về, tranh thủ ghé vào để mua ít thực phẩm tươi sống cho gia đình. Chị chia sẻ, từ ngày có cửa hàng này, cũng thấy yên tâm hơn, nhà cũng gần nên ngày nào chị cũng tranh thủ tạt qua để mua đồ tươi sống chứ không trữ nhiều trong tủ lạnh. Theo chị, tuy mặt hàng chính là các loại rau, củ, quả nhưng cửa hàng thay mới liên tục, đảm bảo tươi.
Chị Lam cũng thường phải kiêm luôn “đi chợ” cho cả một số đồng nghiệp ở cơ quan. Vì vậy, có những buổi tiện đường, tiện xe, chị xách luôn rất nhiều rau quả ở đây đến nơi làm việc, “trông như con buôn”, chị chia sẻ.
Cũng theo chị Lam, mặc dù giá thành các sản phẩm tại cửa hàng này có cao hơn ở một số điểm bán rau ngoài chợ và các cửa hàng nhưng không bao bì, nguồn gốc cụ thể và hạn sử dụng cho từng sản phẩm chia lẻ, khách hàng vẫn cảm thấy yên tâm hơn vì được dùng đúng hàng Việt.
Theo khảo sát của PV tại cửa hàng này, không khó để có thể tìm thấy những loại thực phẩm được cho là đặc sản từ các địa phương như Gạo tám Điện Biên, rau củ quả Mộc Châu, đồ sấy khô Đà Lạt, chè Thái Nguyên,… Các loại thực phẩm đông lạnh cũng khá phong phú để khách hàng có thể lựa chọn theo túi tiền của mình.
Cửa hàng cung ứng thực phẩm an toàn trên phố Mạc Thái Tông là cửa hàng đầu tiên thuộc Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thành lập vào tháng 9 vừa qua. Mới đây, 9/11, Liên hiệp hợp tác xã này còn thành lập thêm 3 cửa hàng nữa tại Hà Nội trên các tuyến phố: Dương Đình Nghệ (Yên Hòa, quận Cầu Giấy), Trần Thái Tông (Yên Hòa, quận Cầu Giấy) và KĐT Linh Đàm (quận Hoàng Mai). Tuy đều mới thành lập nhưng các cửa hàng này cũng đã dần phát huy được lợi thế về thực phẩm an toàn.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định, các sản phẩm nông sản được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị kể trên đều được Liên minh HTX Việt Nam trực tiếp chỉ đạo đến Liên minh HTX các tỉnh/ thành phố phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước địa phương chặt chẽ các HTX từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản, gắn tem truy xuất nguồn gốc và được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Cự, các đơn vị trực thuộc sẽ tiếp tục nỗ lực để có thể đem đến nhiều sản phẩm tốt, sạch với giá thành hợp lý tới tay người tiêu dùng.
PV báo Người Đưa Tin tiếp tục khảo sát tại một số siêu thị như Big C, Aeo Mall, chuỗi siêu thị Eximart, Fivimart, Hapromart. Những siêu thị này đều dành không gian riêng cho các loại thực phẩm sạch. Các sản phẩm rau củ quả theo tiêu chuẩn Vietgap có giá thành không biến động nhiều giữa các siêu thị.
Chia sẻ của những người bán hàng ở các siêu thị này, thời gian gần đây, cùng với việc đảm bảo thương hiệu Việt, cam kết bán đúng hàng, có bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không có hàng giả, hàng nhái thương hiệu, hàng kém chất lượng nên số lượng khách hàng quen cũng đã tăng lên đáng kể.
Hiện, một số thương hiệu Việt như dệt may Việt Nam xuất khẩu cũng đã có sức cạnh tranh lớn trên thị trường như Việt Tiến, May 10, Việt Thắng,… Thay vì mua những sản phẩm ngoại, người tiêu dùng Việt lại quay trở về với những sản phẩm “thuần Việt” này với giá cả phải chăng, chất lượng cao. Điều này cũng được xem như một thành công lớn trong cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thời gian qua.
Tính đến nay, đã 7 năm từ khi bắt đầu thực hiện Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo các chuyên gia, tâm lý mua sắm của người Việt đã có khá nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, tâm lý sính ngoại vẫn còn khá phổ biến thì hiện nay đã dần quay trở về với các sản phẩm thuần Việt. Tuy nhiên, nó cũng đang và sẽ tạo nên những cạnh tranh đối với chính các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, hai nhóm tiêu chí chủ yếu mà người tiêu dùng Việt Nam hướng đến hiện nay là chất lượng và giá cả. Ví dụ như thực phẩm, người tiêu dùng cần các sản phẩm bảo đảm chất lượng, được bao gói gọn gàng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mua bán thuận lợi. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng luôn có tâm lý so sánh với chất lượng hàng hóa nước ngoài. Trong quá trình hội nhập ASEAN, yếu tố nội khối, hay nói cách khác là hàng tiêu dùng từ các nước trong khu vực cũng gây sức ép không nhỏ tới hàng Việt Nam. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức với chính Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt cũng cần có chiến lược đầu tư kinh doanh phù hợp, lâu dài, ổn định, nhấn mạnh phát triển theo chiều sâu và bề dọc, năng động, phản ứng linh hoạt, hiệu quả với nhu cầu, thị hiếu và xu hướng thị trường, nhất là thị trường ngách và đo lường được dung lượng thị trường, chuyển dần sang phân khúc hàng cao cấp bằng những thương hiệu mới, riêng. Các doanh nghiệp cũng cần coi trọng việc bảo vệ thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tạo sự tiện lợi trong việc lựa chọn sản phẩm, bảo đảm chất lượng sản phẩm ổn định và chăm sóc khách hàng tốt.
Huệ Đỗ