Tôi đã đi một quãng đường xa, sau hai giờ bay và bốn giờ trên xe ô tô, tôi mới đến được Hồng Trung Sơn Tự tọa lạc tại vùng đất rừng quốc gia Nam Cát Tiên thuộc huyện Tân Phú, Đồng Nai. Nơi đây – Hồng Trung Sơn Tự là một niệm phật đường đang trong quá trình xây dựng. Từ con lộ nhỏ dẫn vào chùa là hai hàng tượng Bồ tát Quan Âm trong tư thế ngồi và thu hút hơn cả là hình tượng Quan thế âm bồ tát với thế đứng sừng sững linh thiêng, đang hiện diện giữa đất trời của miền sơn cước này.
Niềm háo hức đã tạm gác lại sau lưng nỗi nhớ nhà, nhớ phố phường Hà Nội - nơi tôi trưởng thành và nhớ cả cái rét se lạnh đến nao lòng của mùa đông. Tôi phải tạm quên mọi việc, tạm dừng các cuộc điện thoại trong vòng 10 ngày để theo học khóa tu thiền Vipassana do sư cô trụ trì Thích nữ Hằng Liên giảng dạy. Một bản nội quy được thông qua, tôi hoang mang và muốn từ bỏ. Có lẽ biết tôi từ xa đến và đang trong tâm trạng bất an, sư cô trụ trì đã rất ân cần, động viên và chia sẻ. Tôi tự tin hơn nhiều khi lĩnh hội được những lời ân tình quý báu qua tiếng nói ấm áp của sư cô, tôi vốn là một phật tử đang bấn loạn bởi áp lực công việc nay đã thức tỉnh.
Thời gian hành thiền trong mỗi ngày là 10 tiếng, sự khó chịu khi phải tịnh khẩu và ăn theo giờ, ngủ theo kẻng, cộng với cái nắng nóng đã khiến đầu óc tôi chao đảo. Thế rồi từng ngày, từng ngày trôi qua; mọi sự đau đớn, hoang mang, chán nản giảm dần và tiến tới tiệm cận của ngày thứ 10. Niềm vui, hạnh phúc ẩn hiện trong đôi mắt của gần hai trăm thiền sinh; ai ai cũng tìm thấy con đường đi cho mình, một chân lý cho mình, một sự khám phá mới và đối diện với chính mình để từng giờ trải nghiệm tỉnh giác và buông xả trong từng nỗi đau. Họ đã vững vàng hơn trong cuộc sống và không trốn chạy.
Mười ngày đó với tôi là những khoảnh khắc đáng nhớ và đầy lưu luyến; mọi sự đau đớn trong cơ thể, giúp tôi chiến thắng được chính mình là nhờ ân đức của sư cô trụ trì có một tình thương vô ngã, vị tha. Sư cô Hằng Liên là một trong những Tỳ kheo ni tu học thiền tại Ấn Độ với hai tấm bằng học vị tiến sĩ triết học và phật học; cách thức tổ chức của sư cô theo nghi thức của hệ phái khất sĩ và của dòng thiền Vipassana mang tính khoa học.
Giờ ngọ trai tại chùa Hồng Trung Sơn
Điều đặc biệt đáng ghi nhớ cho mỗi thiền sinh là các bữa ăn, thức ăn ở đây là đồ chay, được làm chủ yếu từ đậu tương và các loại rau, củ, quả; dưới đôi bàn tay chế biến khéo léo tài tình của đầu bếp khiến cho món ăn thật hấp dẫn, đầy đủ màu sắc đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Giờ ngọ trai, sau khi có tiếng kẻng, từng người đi vào trai đường ngồi theo đúng vị trí số thứ tự của mình.
Không nói, không cười; cả trai đường tĩnh lặng, ai ai cũng thành kính chắp tay trước ngực nghe sư cô trụ trì tụng bài “Thọ bát”.
“Bát cơm ai sắm cực lòng,
Ta dùng phải nhớ tấm công ơn người.
Vì nguồn sống phải mượn hơi,
Ví như chén thuốc chữa vơi bệnh tình”...
Câu ca mộc mạc, nhưng có ý nghĩa sâu xa đã nuôi dưỡng, thức tỉnh ý trí bạo bệnh của tôi trở về với cuộc sống thực tại. Giai điệu này, âm thanh này đi vào lòng tôi, khiến cho tôi không còn biếng ăn nữa. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi ăn được cơm chay và kéo dài mười ngày liên tiếp.
Thức ăn này từ đâu đem đến,
Phải chăng vì người mến đạo lành?
Thương ai chín chắn tu hành,
Thảo lòng, nhịn miệng kính thành, cúng dâng.
Từng câu, từng chữ ẩn chứa nhiều ý nghĩa được truyền tải từ giọng nói ấm áp của sư cô, nghe thật cảm động. Tiếp theo, mỗi người lấy một miếng cơm và một ít nước canh, mắt trú tâm nghe tiếp bài kệ thí thực. Sau khi sư cô trụ trì chú nguyện xong, tất cả trai đường mới chính thức được ăn.
Khi ăn cơm, không ai được nói.chuyện, hay bất cứ cử chỉ ám hiệu nào, mọi người ăn thật chậm, bình thản. Đồ ăn phải ăn hết không được để lại, nếu thấy khẩu phần ăn nhiều thì việc đầu tiên trước khi ăn là phải sớt bớt ra bát để riêng. Theo quan niệm rằng, tất cả mọi người đều là kẻ khất thực; do vậy, không được để phí phạm dù chỉ là một hạt cơm, lá rau. Ai ăn xong trước lần lượt ra khỏi trai đường, tự rửa bát đĩa của mình và xếp vào vị trí định sẵn.
Với tôi và chắc hẳn các thiền sinh khác cũng thế, mười ngày được thưởng thức những bữa cơm chay tại Hồng Trung Sơn Tự chính là thời gian thanh thản và nhẹ nhàng nhất trong cuộc đời; bởi sống tại nơi đây, tôi được tách bạch khỏi những lo toan của đời thường. Tuy nhiên, để hiểu được giá trị của hạt cơm thiền, không thể không nhắc đến là những đầu bếp giỏi, những người hộ thiền; họ là những cư sĩ, thậm chí là cả các bậc tu hành, phát tâm tín nguyện cùng chung tay phụ giúp sư cô trụ trì chăm lo đến từng bữa ăn, giấc ngủ và ngay cả những nỗi đau từ trong thân tâm của mỗi thiền sinh. Họ cần mẫn làm việc với tâm từ bi hỷ xả của cội nguồn đạo phật.
Sau mỗi lần tôi muốn bỏ cuộc vì không chịu đựng được sự đau đớn; những khi đó, nước mắt tôi lăn chảy thành dòng và tôi đã thấy nước mắt sư cô trụ trì cũng nhạt nhòa theo.
Từng lần, từng lần như thế, trước sự nhân từ của sư cô đã giúp tôi vững tâm vượt qua được chính mình. Đặc biệt là những thời pháp thoại sư cô truyền đạt vào mỗi tối, đây là những giây phút tuyệt vời nhất đối với tôi bởi những điều vi diệu đó đã đem lại nụ cười mà lâu lắm rồi nó không thường trực trên gương mặt của tôi; tôi đã biết sống quân bình, biết trân trọng giá trị yêu thương và nghĩ tốt hơn về những người mà trước đây tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ có thể tha thứ.
Kết thúc khóa thiền 10 ngày, tôi cảm nhận được một không khí trong lành nơi đây, sự tinh khiết từ từng ngụm nước trong lòng núi được chắt ra, sự tự tại trong tâm hồn với mỗi sớm mai thức dậy thỏa mãn tầm nhìn rừng núi, những hàng cây sao cao lớn, những vườn điều lấp lánh màu quả vàng chín rộ, những hồ sen bát ngát hương hoa, những thửa ruộng lúa xanh ngắt đương thì con gái; tiếng róc rách nước suối chảy quanh quất đâu đây cùng hòa quyện với muôn vàn tiếng kêu của các loài thú, chim muông, côn trùng.
Xa xa, vang vọng tiếng nói cười của người dân bản địa trong phiên chợ sớm; thân thuộc hơn cả là tiếng Đại hồng chung nơi Chánh điện được sư cô trụ trì thỉnh vào sáng sớm. Tất cả những dư âm này tạo nên một bản giao hưởng hùng ca, tráng lệ của đại ngàn núi rừng Nam Cát Tiên, mảnh đất tâm linh, hồn thiêng nơi cuối nguồn Đồng Nai này.
Theo Phật giáo Việt Nam