Sử sách ghi rằng, có người con gái quê Nghệ An rất xinh đẹp tên là Đào Thừa được lấy vào cung phục vụ chúa, được chúa vô cùng yêu mến. Một hôm, nhân đọc sách Quốc ngữ, Hiền Vương rất chăm chú: "Vua nước Việt là Câu Tiễn đánh nhau với nước Ngô, bị thua. Được Phạm Lãi bày mưu, Câu Tiễn dùng kế mỹ nhân dâng người đẹp Tây Thi cho vua Ngô là Phù Sai. Phù Sai mê nàng Tây Thi quên cả quốc sự, thừa cơ Câu Tiễn đem quân đánh, quân nước Ngô đại bại. Sau khi thắng được Ngô, Phạm Lãi rước Tây Thi về dong chơi vùng Ngũ Hồ, rồi mới mất". Lúc ấy, Hiền Vương giật mình, bàng hoàng: "Phải chăng nàng Thừa là Tây Thi của chúa Trịnh đưa từ Nghệ An vào để mê hoặc ta?".
Hiền Vương cương quyết dứt bỏ người đẹp. Nhưng dứt bỏ bằng cách nào? Nếu đuổi nàng thì nàng vẫn còn đó, thỉnh thoảng tới lui, liệu ngài cầm lòng được chăng? Chỉ còn một cách là giết... Nhưng giết người đẹp, ngài không đủ can đảm chứng kiến điều ấy. Nếu bọn cung phi biết được ngài sẽ mang tiếng ác.
Hôm sau, ngài nghĩ ra một biện pháp. Ngài viết một bức thư, gửi cho Nguyễn Cửu Kiền là vị công thần rất được tin cậy. Viết xong, ngài để phong thư trong cái túi nhỏ, túi ấy lại để trong túi chiếc áo gấm mới tinh. Lát sau ngài gọi nàng Thừa đến: "Nàng đem áo này qua dinh bên kia, trao tận tay quan chưởng dinh nói rằng ta ban cho rồi chờ đợi giây lát".
Nhận được món quà và khi nghe nàng Thừa bảo rằng chờ trả lời, quan chưởng dinh lập tức mở hộp ra, xem kỹ chiếc áo gấm. Ông bắt gặp phong thư trong ấy ghi tóm tắt mấy chữ: "Kết liễu đời nàng để tránh cho non nước xứ Đàng trong cái họa Tây Thi!". Lập tức, quan chưởng dinh mời nàng Thừa vào trong, cầm giữ lại. Đêm đến, ông ra lệnh cho tên quân thân tín giết nàng, đem xác bỏ ở nơi hoang vắng, trên ngọn sông Hương.
Chúa Nguyễn Phúc Tần cùng quan quân đi đánh Chiêm Thành - Ảnh minh họa.
Luật nay: Hiền Vương và Nguyễn Cửu Kiền đều phạm tội Giết người
Thể chế phong kiến với quyền lực vô cùng lớn tập trung vào trong tay một người là vua, mà tối cao phải kể đến việc vua có trong tay quyền sinh quyền sát bất cứ ai không cần lý do. Thứ quyền lực ấy còn được cả xã hội cổ vũ, coi nó là hiển nhiên bởi những quy định của Nho học "quân xử thần tử, thần bất tử bất trung". Không kể đến việc quyền vị rơi vào tay những vị hôn quân thì người dân phải chịu biết bao khổ cực, mà ngay cả dưới tay những vị minh quân thì cũng không tránh được những cái chết oan. Vụ án nêu trên là một ví dụ.
Có thể trong xã hội phong kiến, hành vi của Hiền Vương được ca ngợi là hành vi cương quyết xa rời nữ sắc của một bậc minh quân, để toàn tâm vì nước vì dân. Nhưng chiếu theo các quy định hiện nay thì hành vi đó vẫn là hành vi vi phạm pháp luật và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bất kể người thực hiện hành vi phạm tội là người đứng đầu đất nước. Cụ thể, cả Hiền Vương và Nguyễn Cửu Kiền đều phạm tội Giết người theo quy định tại Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Hiền Vương cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Điều 283 Bộ luật Hình sự, khi đã "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" của mình để "thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm".
Nguyễn Phương Thảo