Hiện toàn ngành hàng gia vị Việt Nam có 14 nhà máy có trình độ công nghệ chế biến sâu. Riêng về hồ tiêu, hiện Việt Nam vẫn đứng top 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có sự cạnh tranh và biến động thị trường thuận lợi cho các cây trồng khác như cà phê và sầu riêng nên diện tích và sản lượng hồ tiêu Việt Nam đang bị giảm.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, nếu tiếp tục xu hướng giảm này, ngành gia vị Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh rất lớn khi Brazil có sự bứt phá trong 5 năm gần đây, từ mức 80.000 tấn năm 2018, dự báo có thể đạt 100.000 tấn năm 2024 (xuất khẩu đạt 80.000 tấn năm 2023).
Ngoài ra, việc đảm bảo chất lượng và an toàn của hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam vẫn chưa triệt để. Biến đổi khí hậu dẫn đến việc giảm năng suất sản phẩm;… Những yếu tố này đòi hỏi các doanh nghiệp luôn phải cải tiến, đổi mới công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường.
“Vì vậy mọi nỗ lực và hỗ trợ cần được tập trung cho cây hồ tiêu để đảm bảo giữ diện tích và sản lượng ổn định, Việt Nam tiếp tục giữ thế chủ động, có vai trò điều tiết giá thị trường thế giới như hiện nay. Từ đó cũng tạo điều kiện và có nguồn lực để hỗ trợ các cây gia vị khác rất có tiềm năng nhưng chưa được quan tâm đầu tư tương ứng để bứt phá như cây quế, cây hồi,” bà Hoàng Thị Liên chia sẻ với Vietnam+.
Đánh giá về cơ hội của ngành gia vị Việt Nam, bà Hoàng Thị Liên cho biết, dân số tăng dẫn đến nhu cầu thực phẩm, gia vị tăng. Mặt khác, người tiêu dùng quan tâm đến các vấn đề sức khỏe, do đó, nhu cầu tìm đến các loại gia vị có nguồn gốc, chất lượng cao tăng. Ngoài ra, hồ tiêu cũng được đánh giá là ngành nông nghiệp nên dễ thích nghi với tiêu chuẩn xanh, không phá rừng và giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Công Thương, để giúp phát triển ngành hàng và dần hình thành chuỗi giá trị gia vị Việt Nam trong ngành gia vị thế giới, bà Hoàng Thị Liên kiến nghị Nhà nước cần quan tâm xem xét hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến thông qua hình thức cho vay vốn ưu đãi ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ, hoặc trợ cấp một phần (30-50%) chi phí đầu tư (như các nước Ấn Độ, Sri Lanka) theo hình thức đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D).
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm bớt các thủ tục hành chính, bổ sung các chính sách khuyến khích đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ tăng ngân sách các chương trình xúc tiến thương mại, tiếp thị và quảng bá cho sản phẩm gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đảm bảo việc thực thi các quy định về an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm để đảm bảo uy tín của ngành gia vị Việt Nam trên thị trường quốc tế. Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành gia vị thúc đẩy đổi mới và sáng tạo trong quy trình sản xuất, sản phẩm và quản lý.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, trong 16 ngày đầu tháng 3/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 12.368 tấn hồ tiêu, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 53 triệu USD. Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu bao gồm: Liên Thành đạt 1.276 tấn, Olam Việt Nam đạt 1.139 tấn, Nedspice Việt Nam đạt 957 tấn, Phúc Sinh đạt 900 tấn, Haprosimex JSC đạt 824 tấn.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu, quế, hồi, ớt, đậu khấu, gừng, nghệ… đạt 1,257 tỷ USD. Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị dự kiến trong 5 năm tới, tổng kim ngạch xuất khẩu gia vị của Việt Nam sẽ đạt 2,2 tỷ USD.
Minh Hoa (t/h)