Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến nhà giáo

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 3, 14/05/2024 11:07

Có số lượng đông đảo và nghề nghiệp đặc thù, tuy nhiên nhiều chính sách hiện nay vẫn chưa phù hợp với các thầy cô giáo.

Hiện Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý với dự án Luật Nhà giáo nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo, tạo động lực cho người dạy, học và tôn vinh nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.

Theo Bộ GD&ĐT, tính đến cuối năm học 2021-2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập ở các cấp học và trình độ đào tạo.

Trong đó: 1.191.777 nhà giáo trong biên chế, 50.473 nhà giáo hợp đồng lao động trong cơ sở giáo dục công lập và 160.856 nhà giáo làm việc ở cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 81.900 nhà giáo (26.361 nhà giáo trong các trường cao đẳng, 12.713 nhà giáo trong các trường trung cấp, 22.959 nhà giáo trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 10.867 nhà giáo thuộc các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp).

Bên cạnh đó, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 sinh viên đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Giáo dục - Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến nhà giáo

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong buổi trao đổi, giao lưu với đội ngũ nhà giáo.

Như vậy, có thể thấy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Đội ngũ nhà giáo hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Tuy nhiên, thực tế đội ngũ nhà giáo hiện nay còn có một số bất cập như sau:

Vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên mầm non, phổ thông diễn tại nhiều địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, môn học vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều địa phương không đảm bảo ti lệ giáo viên/lớp theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, thiếu một số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Về chất lượng giáo viên cũng còn bất cập, vì chưa có quy định chuẩn chung cho đội nhà giáo, bao gồm cả nhà giáo trong cơ sở công lập và ngoài công lập.

Chưa có đầy đủ quy định để quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật viên chức để quản lý đối với đội ngũ nhà giáo đã được tuyển dụng vào viên chức.

Giáo dục - Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến nhà giáo  (Hình 2).

Giáo viên còn thừa thiếu cục bộ tại một số địa phương, một số môn học.

Trong khi đó, trước áp lực về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì giải pháp để giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng là mở rộng hệ thống giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, chính sách đối với nhà giáo công tác trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức.

Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, do chưa được luật hóa, hoặc luật hóa chưa đầy đủ nên thiếu cơ sở để thực hiện. Thực tế, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo… chưa tương xứng với vị thế, vai trò thực sự của nhà giáo.

Đời sống kinh tế của nhà giáo còn khó khăn, nhà giáo chưa thể sống được bằng lương, tiền lương của nhà giáo chưa thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống cho nhà giáo, nhất là nhà giáo trẻ và giáo viên mầm non.

Xuất phát từ những khó khăn, hạn chế, bất cập nêu trên, Quốc hội đã bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Dự án Luật Nhà giáo được xây dựng với mục đích thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục"; phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là trọng tâm, xuyên suốt.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo, tạo động lực cho người dạy, học và tôn vinh nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục (trong đó có nhà giáo); tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đổi ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.