Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), hiện tại chỉ có 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập. Có 54% người lao động cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của họ đã bỏ ra.
Cụ thể, khảo sát của Tổng LĐLĐ VN vừa công bố cho thấy, thu nhập trung bình của người lao động (không kể ăn ca) đạt gần 5.500.000 đồng/tháng. Nếu không có tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp như tiền chuyên cần, tiền nhà ở... thì mức lương này là không đủ sống.
Thống kê của hệ thống công đoàn cho thấy, tình trạng tranh chấp lao động, đình công 6 tháng đầu năm 2017 có nguyên nhân liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều chỉnh lương tối thiểu chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể có tới 72/133 cuộc tranh chấp lao động và đình công (chiếm 54,1%).
Trong đó, một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp xảy ra nhiều đình công như dệt may 69 cuộc (chiếm gần 51,8%), giày da có 30 cuộc (chiếm gần 22,5%).
Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công sáng 17/10, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN - ông Trần Văn Lý đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành luật Tiền lương tối thiểu. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động.
Ông Lý cũng nhấn mạnh vai trò của lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ.
Được biết, từ năm 2013 đến nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã 5 lần khuyến nghị tăng mức lương tối thiểu vùng, song Tổng LĐ LĐVN nhận định, mức lương tối thiểu còn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Cuộc tranh luận xung quanh vấn đề lương tối thiểu đã xảy ra dai dẳng nhiều năm nay. Đại diện người lao động là Tổng LĐ LĐVN luôn kêu gọi tăng lương tối thiểu, trong khi đó đại diện cho giới sử dụng lao động là phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng nếu lương tối thiểu tăng quá nhanh mà năng suất lao động không tăng theo tương xứng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Gần đây nhất, vào giữa tháng 9/2017, Viện Nghiên cứu Chính sách Việt Nam (VEPR) công bố bản bảo cáo cho hay mức tăng lương tối thiểu trong 10 năm qua ở Việt Nam có tốc độ trung bình đạt xấp xỉ 20%, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương đạt 5,8%, trong khi đó tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,4%.
Từ nghiên cứu này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR đưa ra khuyến nghị cần điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động.
Cùng quan điểm này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, nếu coi lương tối thiểu là công cụ bảo trợ xã hội là không đúng. Bởi trên thực tế, có khoảng 50% người dân không chịu tác động bởi lương tối thiểu.
Vì thế, theo ông Tuyển các cơ quan chức năng cần mạnh dạn bỏ lương tối thiểu, thay vào đó nghiên cứu cơ chế lương thỏa thuận, khuyến khích người lao động có kỹ năng thì được tăng lương.
Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Người đưa tin, Thứ trưởng bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng các nhận định nói trên chưa phản ánh đúng bản chất của lương tối thiểu.
Theo ông Diệp, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) quy định tiền lương tối thiểu như một công cụ để đảm bảo an sinh xã hội, lo cho số lao động làm việc bình thường nhất, có kỹ năng bình thường nhất ở mức tối thiểu và hiện nay trên thế giới vẫn có hơn 100 nước áp dụng cơ chế thỏa thuận về lương tối thiểu.