Ảnh: . REUTERS/Khaled Abdullah/Ảnh tài liệu.
Ba nguồn tin từ các chính phủ phương Tây và trong khu vực cho biết, Iran đã làm trung gian các đàm phán bí mật giữa Nga và Houthi của Yemen nhằm cung cấp tên lửa chống tàu cho tổ chức dân quân này, một diễn biến là minh chứng cho quan hệ ngày càng bền chặt giữa Tehran và Moscow.
Bảy nguồn tin cho biết Nga vẫn chưa đưa ra quyết định sau cùng về thỏa thuận cung cấp tên lửa Yakhont – còn được biết dưới tên P-800 Oniks – một loại tên lửa mà theo các chuyên gia cho biết sẽ cho phép tổ chức dân quân này thực hiện tấn công các tàu thương mại trên Biển Đỏ chính xác hơn, và nâng cao mức độ nguy hiểm cho các tàu chiến của Mỹ cũng như châu Âu đang bảo vệ các tàu thương mại này.
Tờ Wall Street Journal trong tháng 7 đưa tin về việc Nga đang cân nhắc cung cấp loại tên lửa này. Vào thời điểm đó, vai trò trung gian đàm phán của Iran chưa được tiết lộ.
Houthi đã phóng hàng loạt các tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các tàu trên tuyến vận chuyển hàng hóa thiết yếu ở Biển Đỏ kể từ tháng 11/2023 tới nay nhằm ủng hộ Palestine trong cuộc chiến với Israel tại Gaza.
Lực lượng này đã đánh đắm ít nhất 2 tàu và chiếm quyền kiểm soát một tàu khác, gây gián đoạn hoạt động giao thương trên biển bằng cách buộc các công ty vận chuyển hàng phải điều hướng tàu chở hàng qua những tuyến đường biển khác. Theo một số nguồn tin trong ngành, điều này đã đẩy cao chi phí bảo hiểm cho các tàu đang làm việc trên Biển Đỏ.
Mỹ và Anh đã đáp trả bằng cách tấn công một số vị trí của Houthi, nhưng cho tới nay, hai lực lượng trên đã không ngăn chặn thành công các cuộc tấn công của tổ chức này.
Hai quan chức khu vực có thông tin về các đàm phán cho biết, Houthi và Nga đã gặp mặt tại Tehran ít nhất 2 lần trong năm nay và các đàm phán nhằm cung cấp loại tên lửa có tầm tấn công 300 km này vẫn tiếp diễn.
Nga đã từng cung cấp tên lửa Yakhont cho tổ chức Hezbollah do Iran hậu thuẫn.
Một trong những nguồn tin cho biết, các đàm phán được triển khai dưới quyền Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, người vừa thiệt mạng trong một vụ rơi trực thăng trong tháng 5/2024.
Một nguồn tin tình báo phương Tây cho biết: "Nga đang thương lượng với Houthi để cung cấp tên lửa siêu thanh chống tàu Yakhont. Phía Iran đang đứng tra trung gian thương lượng nhưng không muốn bị phát hiện có liên quan".
Đặc phái viên của Iran tại LHQ và Bộ Quốc phòng Nga đều chưa phản hồi các yêu cầu bình luận.
Mohamed Abdel-Salam, phát ngôn viên chính thức của Houthi tại Yemen cho biết: "Chúng tôi không có thông tin gì về những điều vừa được nhắc tới".
Một quan chức cấp cao của Mỹ đã không nêu rõ tên hệ thống vũ khí có thể được cung cấp nhưng đã xác nhận Nga đã thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Houthi, nhận định những diễn biến này là "rất đáng lo ngại".
Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, những nỗ lực củng cố khả năng chiến đấu của Houthi đều sẽ "gây tổn hại lợi ích chung về quyền tự do di chuyển toàn cầu và nền ổn định tại Biển Đỏ cũng như Trung Đông nói chung".
Quan hệ Nga-Iran ngày càng bền chặt
Nga và Iran trong thời gian vừa qua đã củng cố quan hệ hợp tác quân sự hai nước trước bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine vẫn đang diễn ra. Trong đầu tháng này, chính phủ Mỹ cho biết, một số thông tin cho rằng Tehran đã cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga để sử dụng tại Ukraine.
Ba nguồn tin cho biết, Nga có thể muốn vũ trang cho Houthi với động cơ nhằm đối phó với khả năng các nước phương Tây có thể cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, các đàm phán Nga-Houthi "có vẻ liên quan tới vai trò của Mỹ tại Ukraine và những điều chúng tôi sẵn sàng hoặc không sẵn sàng thực hiện" về những yêu cầu dỡ bỏ giới hạn sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga từ phía Ukraine.
Trong tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, Nga có thể sẽ cung cấp vũ khí tầm xa tiên tiến – tương tự các vũ khí mà Mỹ cung cấp cho Ukraine – tới các phe đối đầu phương Tây trên toàn thế giới.
Yakhont được coi là một trong những vũ khí chống tàu tiên tiến nhất trên thế giới, được thiết kế để lướt trên mặt biển nhằm tránh bị phát hiện với tốc độ di chuyển gấp 2 lần tốc độ âm thanh, khiến loại vũ khí này vô cùng khó bị đánh chặn.
"Yếu tố thay đổi cuộc chơi" cho nền an ninh khu vực
Fabian Hinz, chuyên gia tên lửa đạn đạo tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết việc Nga cung cấp tên lửa Yakhont cho Houthi có thể là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" cho nền an ninh khu vực.
"P-800 là một loại tên lửa có khả năng tấn công cao hơn nhiều so với các loại tên lửa hành trình hoặc đạn đạo chống tàu mà Houthi đã sử dụng từ trước tới nay".
Hinz cho biết, Houthi sẽ không chỉ có thể phóng tên lửa này nhằm vào Mỹ, Anh và các tàu chiến khác đang bảo vệ tàu thương mại trên Biển Đỏ, mà lực lượng này còn có thể sử dụng chúng làm vũ khí tấn công trên bộ, một yếu tố mà Saudi Arabia chắc chắn sẽ coi là một mối đe dọa lớn.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, một phái đoàn quan chức Mỹ đã thảo luận về các thương lượng Nga-Houthi với các đối trọng từ Saudi Arabia trong một chuyến viếng thăm Saudi Arabia vào mùa hè vừa rồi, và Washington cũng đã đề cập về vấn đề này với Moscow.
Ba nguồn tin cho biết, chính quyền Saudi Arabia cũng đã thể hiện sự lo ngại trực tiếp tới chính quyền Nga.
Chính phủ Saudi Arabia chưa phản hồi các yêu cầu bình luận.
Hinz cho biết, Nga sẽ cần hỗ trợ về các phương diện kỹ thuật trong quá trình vận chuyển tên lửa, như cách vận chuyển và lắp ráp chúng mà không bị Mỹ phát hiện và phá hủy. Houthi cũng sẽ cần được huấn luyện sử dụng vũ khí này.
Quan chức cấp cao của Mỹ đã cảnh báo về những hậu quả tiềm tàng nếu như thỏa thuận cung cấp này được thực hiện.
"Phía Saudi Arabia đang trong tình trạng báo động. Chúng tôi đang trong tình trạng báo động, và các đối tác trong khu vực cũng đang trong tình trạng báo động. Houthi đã gây ra đủ nhiều thiệt hại trên Biển Đỏ rồi, và vũ khí này sẽ cho phép Houthi gây ra nhiều thiệt hại hơn nữa".
Nguyễn Quang Minh (Theo Reuters)