Khẩn trương chống sạt lở trước mùa mưa bão – Bài 3: Ứng phó với biến đổi khí hậu

Khẩn trương chống sạt lở trước mùa mưa bão – Bài 3: Ứng phó với biến đổi khí hậu

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 3, 13/08/2024 07:35

Trước diễn biến thiên tai thất thường, các địa phương tại tỉnh Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều phương án để ứng phó với tình trạng sạt lở, khi chờ những biện pháp mang tính căn cơ.

Trồng tre tạo bờ kè sinh thái, chống sạt lở dọc sông Lam

Thời gian qua, hàng chục người dân thuộc xóm 1, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An luôn sống trong tâm trạng lo lắng khi bờ sông Lam bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa kéo sập hàng chục ngôi nhà.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tín (52 tuổi, trú xóm 1, xã Lạng Sơn) trước đây có hơn 300m2 đất vườn và đất ở nằm bên sông, gần mép nước có hàng tre bảo vệ. Hơn 5 năm trước, hàng tre của gia đình bà đã bị nước cuốn trôi, lòng sông ăn sâu vào vườn 20m, chuồng nuôi lợn, gà cũng bị đổ sập.

"Sau đợt mưa lớn kéo dài đầu tháng 10/2023 vừa qua, nước sông Lam dâng cao, khi nước rút, tình trạng sạt lở ăn sâu khiến nhà tôi mất hàng chục m2 đất. Tôi lo lắm, điểm sạt lở hiện chỉ còn cách nhà tôi khoảng 10m. Cứ thế này chẳng bao lâu nữa căn nhà của gia đình tôi cũng bị đổ sập", bà Tín lo lắng.

Khẩn trương chống sạt lở trước mùa mưa bão – Bài 3: Ứng phó với biến đổi khí hậu- Ảnh 1.

Bờ sông Lam bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa kéo sập hàng chục ngôi nhà.

Qua kiểm tra, đoạn sạt lở bờ sông Lam qua xóm 1 dài 120m, rộng 20m, sâu 12m, cuốn trôi hơn 15.000m3 đất. Hiện hơn 10 gia đình có nhà kiên cố chỉ cách điểm sạt lở 10-50m. Từ đầu tháng 10 đến nay, chính quyền địa phương huy động máy móc san gạt, hạ thấp điểm sạt, xử lý vết nứt để hạn chế lan rộng. Tuy nhiên, người dân vẫn vô cùng lo lắng khi mùa mưa bão sắp đến.

Ông Hoàng Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết, nếu kè bằng bê tông thì chi phí lên đến cả trăm tỷ. Vì vậy, huyện Anh Sơn đã làm tờ trình và báo cáo lên UBND tỉnh để xin kinh phí, có phương án khắc phục sớm nhất.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ, huyện quyết định triển khai việc trồng tre dọc bờ sông để giữ đất, bảo vệ làng, bảo vệ các công trình dân sinh. Tre là giống có chi phí thấp, ít công chăm sóc, có sức sinh trưởng mạnh mẽ do dễ sống, rễ nhiều nên giữ đất tốt.

"Các loài cây này cũng có sẵn trong làng, người dân không mất chi phí mua nên rất thích hợp để trồng thay thế cho kè sông. Từ đầu năm đến nay, các xã đã trồng hơn 20.000 cây tre, cây mét và phấn đấu đến giữa năm sau, sẽ trồng được 50.000 cây", ông Cường nói.

Khẩn trương chống sạt lở trước mùa mưa bão – Bài 3: Ứng phó với biến đổi khí hậu- Ảnh 2.

Trồng tre dọc bờ sông để giữ đất, bảo vệ làng, bảo vệ các công trình dân sinh.

Hưởng ứng phong trào phát động của huyện Anh Sơn, từ đầu tháng 2/2024 đến nay, nông dân các xã: Tào Sơn, Lạng Sơn, Đỉnh Sơn, Thạch Sơn, Long Sơn… đã trồng hàng nghìn gốc tre dọc bờ sông Lam chống sạt lở. Theo kế hoạch, trong vòng một năm, nông dân Anh Sơn sẽ hoàn thành việc trồng tre chống xói mòn toàn tuyến Sông Lam chảy qua địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đánh giá, biện pháp trồng tre rất khả thi. Trồng tre chi phí thấp, dễ làm, là giải pháp bảo vệ hiệu quả đất sản xuất nông nghiệp, công trình giao thông, thủy lợi.

"Đây cũng là phương án quan trọng nhằm chỉnh trị dòng sông ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, ổn định đời sống, sản xuất của người dân. Sau mô hình trồng tre chống sạt lở của nông dân huyện Anh Sơn, chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng ra nhiều địa phương khác có dòng sông Lam chảy qua đang bị ảnh hưởng của việc sạt lở", ông Tùng nói.

Chủ động phương châm "4 tại chỗ" tại miền núi

Ngày 6/8, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện số 27/CĐ-UBND về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Khẩn trương chống sạt lở trước mùa mưa bão – Bài 3: Ứng phó với biến đổi khí hậu- Ảnh 3.

Tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ".

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động, tập trung hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ" để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.

Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Các địa phương chỉ đạo tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định.

Tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Khẩn trương chống sạt lở trước mùa mưa bão – Bài 3: Ứng phó với biến đổi khí hậu- Ảnh 4.

Huyện Kỳ Sơn từng chịu ảnh hưởng thiên tai nặng nề vào năm 2022.

Liên quan đến việc này, ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết thêm, địa phương đã từng xảy ra trận lũ ống, lũ quét lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân và Nhà nước vào năm 2022. Vì vậy, chính quyền và nhân dân hiểu rõ phải luôn chủ động trong công tác phòng chống thiên tai.

"Ngay từ tháng 4/2024, huyện đã ban hành phương án ứng phó thiên tai từ huyện đến cấp xã. Hiện, chúng tôi đang rà soát các điểm "nóng" về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét trên địa bàn Kỳ Sơn để lên phương án chủ động đối phó với thiên tai", Phó Chủ tịch huyện Kỳ Sơn nói.

Thiên tai cứ thế đợt này chưa hết, đợt khác đã tiếp diễn; thậm chí ở tỉnh Nghệ An, gần như chưa năm nào vắng bóng thiên tai. Vì vậy, cách duy nhất để ứng phó là sống thích ứng với thiên tai.

Đồng thời, nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai của các cấp và cơ quan chuyên môn, theo phương châm "4 tại chỗ" góp phần rất lớn vào việc giảm nhẹ thiệt hại do mưa bão, sạt lở gây ra.

Khẩn trương chống sạt lở trước mùa mưa bão – Bài 3: Ứng phó với biến đổi khí hậu- Ảnh 5.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra các điểm sạt lở sau mưa bão và nhanh chóng triển khai công tác khắc phục hậu quả.

Ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, với phương châm "4 tại chỗ".

Trong đó, lực lượng tại chỗ gồm: Quân đội, công an, dân quân tự vệ, đội xung kích và các lực lượng khác được cấp huyện, xã huy động trên địa bàn. Phương tiện, trang thiết bị tại chỗ là ca nô, xuồng, các loại áo phao, máy múc, máy cưa, các trang thiết bị chuyên dụng khác.

"Những năm qua, huyện đã được trang bị 1 chiếc máy múc, sẵn sàng ứng phó khi cần thiết. Ngoài ra, chúng tôi cũng làm việc với một số đơn vị có máy, khi có sự cố xảy ra là huy động đến hiện trường. Năm nay, huyện đang chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư khác, như bao bì, cát, đá… của người dân, để kịp thời ứng phó với thiên tai", ông Vũ cho hay.

Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8/2024, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân, nhất là tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.