Xem xét lại quy trình xả lũ
Cho đến thời điểm hiện nay, người dân huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An nằm cạnh sông Hiếu vẫn chưa hết bàng hoàng bởi những thiệt hại nặng nề trước trận lụt cuối tháng 9/2023.
Nhà ông Trần Đình Quang ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu là một trong hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng cho biết, trước đây dòng sông chưa hung hãn như bây giờ.
"Tuy nhiên khoảng chục năm trở lại đây thời tiết diễn biến thất thường, cộng thêm thủy điện Châu Thắng đi vào vận hành dẫn đến dòng chảy biến đổi không ngừng, rất khó đoán", ông Quang nói.
Ông Quang cho biết, cách khu vực này khoảng 3km về phía thượng lưu sông Hiếu là nhà máy thủy điện Châu Thắng. Mỗi lần mưa lớn, thủy điện xả lũ, những hộ dân này lại phải hốt hoảng tháo chạy đến nơi an toàn.
Ông Sầm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết, trận lụt cuối tháng 9/2023 chuyển biến quá nhanh, đêm 26/9 tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, nào ngờ chỉ vài tiếng sau khi thủy điện Châu Thắng thông báo xả lũ thì toàn bộ đã ngập chìm trong biển nước.
Riêng bản Minh Tiến có khoảng 130 hộ bị ngập nặng, bao gồm 22 hộ có nhà sát mép bờ sông. Người dân phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn, trong đó có một số đến nhà người thân, còn lại tập trung tại nhà văn hóa để tránh lũ.
Ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu khẳng định, đây là trận lũ mang tính lịch sử, cường độ và mức độ càn quét lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ Châu, trận lũ lịch sử diễn ra trong 2 ngày từ 26-27/9/2023 đã gây ra ra hậu quả nặng nề, thiệt hại lớn đến kinh tế, đời sống của nhân dân, ước tính thiệt hại lên đến trên 196 tỷ đồng.
Sơ bộ toàn huyện Quỳ Châu có trên 5.000 người phải di dời khẩn cấp; 1.371 nhà/30 khối bản bị ngập, nhiều nhà ngập sâu từ 1 - 5m; lúc cao điểm có 3 xã, 6 bản bị cô lập hoàn toàn, lực lượng chức năng không thể tiếp cận; nhiều điểm trên tuyến Quốc lộ 48A, Quốc lộ 48D, Tỉnh lộ 544 bị chia cắt, sạt lở nặng nề...
Tuy nhiên, nếu chỉ mưa lớn thì tình trạng ngập diện rộng sẽ không xảy ra, nguyên nhân là do nước dồn dập trên thượng nguồn chảy về nên các nhà máy thủy điện trên tuyến Quốc lộ 48 phải đồng thời xả lũ cấp tập (3 nhà máy thủy điện là Châu Thắng, Nậm Pông, Nhạn Hạc).
Trong báo cáo, huyện Quỳ Châu đã có kiến Nghị UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ, đánh giá nguyên nhân gây lũ lụt, trong đó xem xét quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện trong việc xả lũ ngày 27/9/2023.
Đến ngày 13/10/2023, sở Công Thương tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện Quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc.
Ngày 31/10/2023, sở Công Thương Nghệ An đã có báo cáo số 2484/SCT-BC.QLNL về kết quả kiểm tra việc vận hành xả lũ của các đập, hồ chứa thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc trong đợt mưa lớn từ ngày 26 đến 27/9/2023.
Đoàn kết luận 2 hồ chứa thủy điện đã có quy trình vận hành được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, công tác dự báo của nhà máy chưa chính xác, còn bị động trong công tác dự báo lưu lượng nước về hồ nên chưa thực hiện được thông báo cảnh báo sớm cho vùng hạ du.
Ngoài ra, nhà máy Châu Thắng thực hiện chưa tốt công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị phục vụ cho công tác vận hành dẫn đến xảy ra tình trạng hư hỏng thiết bị quan trắc, giám sát tự động.
Chủ động theo dõi các hồ chứa thủy điện tăng lưu lượng xả lũ
Ngày 13/8, thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, đơn vị đã nhận được thông báo về việc để đảm bảo an toàn, các nhà máy thủy điện Nậm Mô và Bản Ang dự kiến tăng xả lũ qua các cửa van đập tràn và tổ máy phát điện.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tổng Công ty phát triển năng lượng Nghệ An dự kiến xả nước hồ chứa thủy điện Nậm Mô (xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) vào 23h ngày 12/8/2024.
Tổng lưu lượng xả dự kiến khoảng 140m3/s đến 350m3/s (bao gồm xả qua các cửa van đập tràn và tổ máy phát điện). Thời gian dự kiến kết thúc xả nước qua đập tràn cho đến khi lưu lượng nước về hồ giảm về dưới mức 140 m3/s.
Đồng thời, hồ chứa thủy điện Bản Ang (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) cũng dự kiến xả vào 0h ngày 13/8/2024 khoảng 200m3/s đến 500m3/s (bao gồm xả qua các cửa van đập tràn và tổ máy phát điện). Thời gian dự kiến kết thúc hoàn toàn xả nước qua đập tràn cho đến khi lưu lượng nước về hồ giảm về dưới mức 189,6 m3/s.
Hiện, Nghệ An có 1.061 hồ, đập thủy lợi và trên 21 hồ, đập thủy điện lớn nhỏ. Riêng hồ, đập thủy lợi hiện có 120 hồ, đập được xây dựng quá lâu, chất lượng hồ, đập xuống cấp nghiêm trọng.
Mùa mưa bão năm nay được dự báo có thể có tổng lượng mưa lớn hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, khả năng nguồn nước đổ về các hồ, đập thủy lợi, thủy điện sẽ rất lớn. Do đó, việc phải xả lũ để bảo vệ an toàn hồ, đập có thể xảy ra.
Trước việc trên, ngày 6/8, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện số 27/CĐ-UBND về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.
Trong đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Giám đốc sở NN&PTNT theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp các địa phương, đơn vị chỉ đạo, tham mưu vận hành an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước.
Ngoài ra, yêu cầu Giám đốc sở Công Thương phối hợp các địa phương, đơn vị chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất công nghiệp, hệ thống điện, hồ thủy điện; kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Từ đêm 11-15/8/2024, dự báo tại Bắc Bộ xuất hiện đợt mưa lớn, khả năng cao sẽ xuất hiện lũ trên các sông suối, đặc biệt nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 78/CĐ-TTg ngày 11/8/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét tại khu vực Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Nghệ An.