Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đang tiến hành khảo sát 2.000 doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành và 8 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Theo Cục Quan hệ Tiền lương và Quan hệ lao động (Bộ LĐTBXH), đây là cuộc khảo sát được thực hiện hàng năm.
Các doanh nghiệp được điều tra phải có trên 10 lao động. Đơn vị này cũng chọn khảo sát đối với đầy đủ 3 quy mô nhóm doanh nghiệp: Doanh nghiệp dưới 100 lao động, dưới 300 lao động và trên 300 lao động.
Trong đó, 3 tỉnh có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với khoảng 150 doanh nghiệp/thành phố.
Doanh nghiệp được điều tra thuộc cả 3 nhóm sản xuất kinh doanh, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - thương mại - dịch vụ.
Thông qua cuộc khảo sát, Bộ LĐTBXH sẽ thống kê các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, tiền lương, chi phí bảo hiểm xã hội, tình hình thực hiện các nội dung của Luật Lao động (hợp đồng lao động, tuyển dụng, thoả ước lao động, nội quy, đào tạo và đào tạo lại…), nhằm đánh giá và kiến nghị mức lương tối thiểu vùng năm 2020.
Thời gian vừa qua, tiền lương tối thiểu đã liên tục được điều chỉnh song theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, mức lương tối thiểu vùng hiện nay mới chỉ đáp ứng được 95% nhu cầu sống tối thiểu.
Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng như sau (từ 1/1/2019): Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng.
Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn lao động, tiền lương tối thiểu đã tăng khá nhanh trong giai đoạn 2013-2016 (khoảng 13-15%) trước khi giảm xuống còn 7% (năm 2017), 6,5% (năm 2018) và 5,3% (năm 2019).
Dự kiến, trong tháng 7 và tháng 8/2019, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tổ chức các phiên đàn phán điều chỉnh lương tối thiểu năm 2020. Các bên tham gia chính sẽ là Bộ LĐTBXH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI)…
H.Y