Thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa để tránh độc quyền, nhưng để doanh nghiệp tự chủ lại rơi vào tình trạng “đội giá”. Hiện nay, SGK không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá, mà thuộc danh mục mặt hàng do doanh nghiệp kê khai giá theo quy định của Luật giá.
Vì vậy, các nhà xuất bản, công ty tự xây dựng, xác định giá và kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước. Và phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai. Cơ quan quản lý nhà nước không thẩm định, phê duyệt, không định giá SGK.
Trong giai đoạn 2020, khi bộ SGK của Chương trình mới được triển khai ở khối lớp 1, để tìm hướng giải quyết việc quản lý giá cả Bộ GD&ĐT đã có báo cáo Chính phủ đề xuất mức kê khai giá sách giáo khoa mới bảo đảm không vượt quá mức kê khai bộ sách giáo của chương trình cũ.
Thời điểm đó, ông Trần Tú Khánh, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT (Hiện đã xin từ chức vì lý do cá nhân) khẳng định quan điểm của Bộ GD-ĐT từ trước đến giờ đều nhất quán cho rằng cần phải đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Vì SGK là mặt hàng đặc biệt liên quan tới giáo dục, tới tương lai của hàng triệu trẻ em. Nếu thả nổi, mặc cho giá sách nâng cao lên 3-4 lần so với hiện nay là điều không thể được.
"Nếu không đưa vào danh mục Nhà nước định giá, ai sẽ bảo đảm các đơn vị xuất bản không liên kết để nâng giá cao hơn nhiều lần sách hiện hành. Gánh nặng chi phí dồn lên vai người dân. Con em những người dân ở vùng sâu vùng xa, những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ lấy đâu ra tiền mua sách để học? Không thể nói làm sách đẹp mà đội giá sách lên trời được", ông Khánh phân tích.
Tuy nhiên, đến nay mặc dù có nhiều đề xuất, khuyến nghị nhưng các nhà xuất bản SGK vẫn được chấp thuận phương án kê khai giá của các đơn vị này đưa ra.
Mẫu thuẫn việc xã hội hóa sách giáo khoa
Trao đổi với Người Đưa tin, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính chia sẻ: “Chúng ta ủng hộ việc phát triển theo kinh tế thị trường, mọi sản phẩm làm ra đều được thị trường hóa. Tuy nhiên, SGK là một loại hàng hóa đặc biệt ở chỗ, đây là phương tiện phục vụ cho việc phổ cập giáo dục theo quy định của Nhà nước”.
Trên thực tế, hiện nay đối với giáo dục bắt buộc thì Nhà nước phải bảo đảm miễn phí và đầu tư đầy đủ các yêu cầu cơ bản cho giáo dục. Việc xã hội hóa giáo dục cần có cơ chế rõ ràng để khuyến khích, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc không thương mại hóa giáo dục
Việc giá SGK tăng cao khó đưa ra giải pháp phù hợp vì mâu thuẫn giữa phát hành sách giáo khoa đi theo kinh tế thị trường nhưng vẫn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển giáo dục.
“Đây là vấn đề phức tạp, hiện nay có rất nhiều bộ SGK, sách tham khảo, bài tập nhằm đa dạng hóa thị trường sách. Bên cạnh đó, thực tế ở thành thị nhiều phụ huynh vẫn sẵn sàng chi trả những bộ sách mới cho con
Theo tôi, nên có những bộ sách chuẩn, và được Nhà nước hỗ trợ, quản lý giá cả, khống chế giá, đảm bảo việc phổ cập tốt. Những sách chuyên khảo có thể đa dạng, và không bắt buộc”, thầy Thịnh bày tỏ.
Tuy nhiên chuyên gia cũng lưu ý việc phải hài hòa giữa hỗ trợ và giảm chi phí Nhà nước, để thị trường đi theo đúng quy luật.
Mặc dù là xã hội hóa, nhưng sách giáo khoa lại là mặt hàng đặc biệt, nếu không có sự điều chỉnh sẽ là gánh nặng lên những người dân có thu nhập thấp, gia đình khó khăn, đông con.
Xã hội hóa từng khâu, không khoán trắng
Cũng đồng quan điểm cần phải có những sự hỗ trợ phù hợp, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: “Ở các nước, SGK là mặt hàng được Nhà nước tài trợ, hoặc sẽ là cho mượn, thuê,…Việc xã hội hóa SGK rất khó để yêu cầu giá sách mới không được cao hơn giá sách cũ bởi cần có yếu tố cạnh tranh”.
Ngoài ra, ông Long nêu giải pháp cần có sự phối hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước và xã hội hóa ở từng khâu xuất bản SGK.
“Chỉ xã hội hóa ở một số khâu còn Nhà nước sẽ bao cấp, hỗ trợ để đảm bảo giá phù SGK phù hợp đối với mọi gia đình, không nên thả nổi giá SGK để doanh nghiệp quyết định”, ông Ngô Trí Long đánh giá.
Hoạt động nhiều năm trong bộ máy giáo dục, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng mức giá này đã được kê khai, trình cho Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT thống nhất quản lý. Vì vậy, trên thực tế đây cũng là một hình thức quản lý giá cả.
“Tất cả chi phí để xuất bản ra bộ sách như phí tác giả, hội đồng thẩm định, nghiên cứu, in ấn, chất lượng giấy,…đều được tính toán và tính vào giá sách giáo khoa. Điều này là phù hợp, tuy nhiên sẽ gây bất cập với những gia đình nghèo, khó khăn”, ông Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.
Thay vì quan tâm đến giá cả, chuyên gia nhấn mạnh cần tìm ra giải pháp cho vấn đề này: “Theo tôi, cần khuyến khích hoạt động cho mượn sách, vận động các bộ sách cũ. Phía Nhà nước cần hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng thư viện ở các trường để học sinh có cơ hội tiếp cận với tri thức”.
Để làm được, các bộ sách phải được sử dụng, chọn lựa nhiều năm, một thời gian dài. Nếu mỗi năm một bộ sẽ rất lãng phí và gây thất thoát lớn. Phương pháp này còn giáo dục ý thức bảo vệ sách của học sinh, giúp nhiều thế hệ có thể sử dụng
Ngoài ra, ông Nhĩ cũng cho rằng Nhà nước cũng cần xem xét hỗ trợ ở những khâu thích hợp, không nên khoán trắng, giúp giảm giá thành.
Ngày 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.
Trong các chuyên đề sẽ được trình để Quốc hội chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao có việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ đổi mới chương trình SGK và công tác phòng, chống dịch Covid-19.