Chu Du (175 -210) tên tự là Công Cẩn, ông là danh tướng và khai quốc công thần của nhà Đông Ngô thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Chu Du sinh ra và lớn lên tại huyện Thư, quận Lư Giang (nay là huyện Thư Thành, tỉnh An Huy) trong một đại gia tộc có nhiều người làm quan. Ông nội của ông là Chu Cảnh và chú là Chu Trung đều làm quan Thái úy. Cha của Chu Du là Chu Dị từng làm quan huyện lệnh Lạc Dương.
Theo ghi chép trong Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ, Chu Du từ lúc trẻ đã nổi tiếng là người có tướng mạo tuấn tú, thân hình cao lớn, tráng kiện. Không những thế, Chu Du còn có tài năng cả văn và võ.
Chu Du từ lúc còn ít tuổi đã tinh thông âm luật, chơi đàn giỏi. Cho dù uống rượu đã ngà ngà say, nhưng chỉ cần người chơi đàn mắc một lỗi nhỏ ông vẫn phát hiện ra. Không chỉ tinh thông âm nhạc, nho nhã khôi ngô, Chu Du còn có tài năng quân sự phi phàm.
Vào những năm cuối thời Đông Hán, quần hùng khởi binh tranh giành. Phá lỗ tướng quân Tôn Kiên khởi binh thảo phạt quyền thần Đổng Trác và chuyển nhà đến huyện Thư. Chu Du gặp con trai Kiên là Tôn Sách, hai người bằng tuổi nhau, trở thành bạn rất thân.
Chu Du còn cho gia đình Tôn Sách ở dãy nhà phía nam hướng ra đường lớn của nhà mình. Hai nhà cùng giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Về sau này, Chu Du và Tôn Sách có cùng chí hướng nên rất thân thiết, tình cảm như anh em, hợp binh chinh chiến, đánh đâu thắng đấy, không gì cản nổi, xưng bá ở Giang Đông.
Sau khi Tôn Sách qua đời, Tôn Quyền lên kế vị, Chu Du vị đại thần quan trong bảo vệ cơ nghiệp của tập đoàn chính trị này.
Khi đánh giá về Chu Du, có ý kiến cho rằng, Chu Du trong lịch sử có thể được xem là một nhân tài vô cùng xuất chúng. Tuy nhiên, Tam quốc diễn nghĩa khi miêu tả trận chiến Xích Bích dường như đã đem công lao quy phần nhiều cho Gia Cát Lượng. Trong khi đó, để có chiến thắng trong trận đại chiến này thực tế không thể không kể đến vai trò chính của Chu Du.
Nhưng đáng tiếc cho Đông Ngô, không lâu sau khi Chu Du lập được chiến tích oanh liệt ở Xích Bích năm 208 thì đến năm 210, Chu Du trở bệnh trên đường trở về Giang Lăng, nhưng vẫn cố gắng đi đến Ba Khâu, kiểm tra khả năng chiến đấu của binh sĩ.
Sau khi đại quân Đông Ngô xuất phát không lâu, Chu Du biết mình không qua khỏi, liền viết lại thư gửi Tôn Quyền. Trong thư Chu Du có nói: "Lưu Bị là anh hùng thiên hạ, đừng nhìn vào sự cơ hiện tại mà cho rằng đây không phải là đại họa. Trong tương lai, Lưu Bị sẽ là kẻ thù số một của Đông Ngô và cần diệt trừ càng sớm càng tốt".
Rồi Chu Du qua đời, năm đó ông 36 tuổi. Tôn Quyền nghe tin khóc than: "Công Cẩn có tài phò vương, nay chợt đoản mệnh, cô còn biết nhờ cậy ai!", rồi tự mình mặc áo tang đến để tang ông. Linh cữu Chu Du được chuyển về Ngô Quận, Tôn Quyền ra tận Vu Hồ nghênh đón.
Qua lời khuyên của Chu Du với Tôn Quyền có thể thấy ông đã nhìn thấu dã tâm của Lưu Bị, nhưng lúc đó Tào Tháo vẫn là thế lực hùng mạnh nhất, Tôn Quyền sợ Tào Tháo quay lại chinh phạt nên đã nghe theo kiến nghị của Lỗ Túc là duy trì liên minh Tôn - Lưu.
Quốc Tiệp (t/h)