Trong số các nhân vật lịch sử nổi lên vào thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc, Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng được biết tới là bậc kỳ tài hiếm có và rất được hậu thế ngưỡng mộ.
Gia Cát Lượng (181 - 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh. Cả đời ông cúc cung tận tụy vì cơ nghiệp Thục Hán, một lòng theo phò tá Lưu Bị từ khi vị quân chủ này còn chưa có được mảnh đất đặt chân cho tới lúc gây dựng nên cơ đồ đại nghiệp.
Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, sau khi Tiên chủ Lưu Bị qua đời, ông tiếp tục phụng sự cho Hậu chủ Lưu Thiện và dốc lòng vào công cuộc Bắc phạt. Chỉ tiếc rằng tới năm 234, vị Thừa tướng này đã lao lực qua đời tại gò Ngũ Trượng ở tuổi 54.
Vào thời điểm lâm trọng bệnh trong chiến dịch Bắc phạt cuối cùng, Gia Cát Lượng chính là người đã tiến cử Tưởng Uyển thay thế mình làm phụ chính đại thần trong tương lai.
Tưởng Uyển (?-246), tự Công Diễm, là đại thần nhà Thục Hán trong thời kỳ Tam quốc. Trong giai đoạn Gia Cát Lượng phụ chính, ông đánh giá rất cao tài năng của Tưởng Uyển, vai trò của Tưởng Uyển trong triều đình dần dần tăng lên và ngày càng quan trọng hơn.
Khi Gia Cát Lượng tiến hành Bắc phạt chống lại nhà Tào Ngụy năm 228, Tưởng Uyển là một trong những trọng thần được giữ lại ở kinh đô nước Thục là Thành Đô để giải quyết các vấn đề nội vụ.
Năm 230, ông trở thành phụ tá chính của Gia Cát Lượng và đảm nhiệm việc vận chuyển quân nhu. Ông luôn đảm bảo việc cung ứng đầy đủ lương thảo và binh sĩ, Gia Cát Lượng đã khen ngợi ông như thế này: "Công Diễm thật là trung kiên và quảng đại, ông ấy và ta sẽ cùng phụng sự Hoàng thượng hoàn thành đại nghiệp".
Năm 231, khi phó phụ chính đại thần của Gia Cát Lượng là Lý Nghiêm bị phát hiện là đã nhiều lần lừa dối ông và Lưu Thiện, Lý Nghiêm bị cắt chức. Tưởng Uyển không được bổ nhiệm vào vị trí mà vai trò lại càng trở nên quan trọng hơn.
Khi Gia Cát Lượng lâm trọng bệnh trong chiến dịch Bắc phạt cuối cùng năm 234, Lưu Thiện gửi thư đến để hỏi ông ai có đủ khả năng để thay thế làm phụ chính. Gia Cát Lượng đã đề cử Tưởng Uyển và Phí Y (người kế thừa sau đó của Tưởng Uyển). Sau khi Gia Cát Lượng qua đời cuối năm đó, Tưởng Uyển trở thành phụ chính đại thần.
Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, vị quan họ Tưởng vẫn tiếp tục duy trì ổn thỏa các chính sách đối nội của ông năm xưa, từ đó giúp cho nội bộ triều đình luôn hết sức ổn định.
Tưởng Uyển được đánh giá là một người rất mực khoan dung và luôn tỏ ra khiêm nhường. Cũng nhờ có công lao phụ chính của vị đại thần này mà cục diện nội bộ của Thục Hán không xảy ra xáo trộn lớn nào sau khi Thừa tướng Gia Cát Lượng qua đời.
Năm 243, Tưởng Uyển lâm trọng bệnh và giao hầu như toàn bộ quyền hành lại cho Phí Y và Đổng Doãn.
Năm 244, Ngụy quốc phụ chính đại thần Tào Sảng tấn công Hán Trung, Phí Y đích thân dẫn quân chống cự với Tào Sảng và khiến cho quân Ngụy hứng chịu thất bại. Tuy nhiên, Tưởng Uyển vẫn còn duy trì sức ảnh hưởng cho đến lúc qua đời vào năm 246. Ông được truy phong thụy hiệu là "Cung" (nghĩa là "đáng kính").
Quốc Tiệp (t/h)