Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. Là một trong những nhân vật nổi danh nhất thời Tam quốc, cuộc đời hào hùng của Tào Tháo cho tới ngày nay vẫn khiến hậu thế không khỏi ngưỡng mộ.
Nhắc tới nhân vật Tào Tháo, nhiều người sẽ không tiếc lời khen ngợi, thậm chí ví ông như một bậc kiêu hùng vào cuối thời nhà Hán và suốt thời kỳ Tam quốc.
Thế nhưng giữa thời buổi hùng tài vô số lúc bấy giờ, người khét tiếng như Tào Tháo cũng không khỏi kiêng dè trước những nhân vật đáng gờm dưới đây.
Chu Du
Vì sao Chu Du có thể coi là một trong những nỗi sợ hiếm hoi của Tào Tháo? Trận đại chiến Xích Bích năm xưa chính là đáp án cho câu hỏi này.
Trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa, phần lớn công lao trong chiến thắng Xích Bích đều được La Quán Trung quy về Gia Cát Lượng.
Tuy nhiên trên thực tế, Chu Du mới là người đóng vai trò chủ đạo trong sự thành công của đại chiến này.
Dưới sự chỉ huy của Chu Công Cẩn, quân Tào tan rã trong thảm bại. Điều đáng nói hơn là trận chiến năm ấy đã gây tổn thương rất lớn cho thế lực của Tào Tháo.
Vốn đang tiến gần đến giấc mơ nhất thống thiên hạ, nhưng kết cục thảm bại trong trận Xích Bích đã khiến thực lực của Tào Ngụy bị tổn hại nghiêm trọng.
Kết quả của trận chiến này cũng được đánh giá là yếu tố góp phần bước đầu định hình cho thế chân vạc thời Tam Quốc...
Vì vậy, có thể coi Chu Du là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của Tào Tháo lúc sinh thời.
Tam Quốc chí - Chu Du truyện dẫn Giang Biểu truyện có viết: “Tào công (chỉ Tào Tháo) viết thư gửi Tôn Quyền nói: Trận Xích Bích trong quân có dịch bệnh. Ta đốt thuyền tự lui, nào ngờ Chu Du lại hưởng hư danh”.
Theo các tài liệu chính sử, Chu Du qua đời do mắc bạo bệnh. Tuy nhiên trong Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung lại xây dựng cái kết “hộc máu mà chết” để kết thúc cuộc đời của Chu Công Cẩn.
Kết cục khác biệt với thực tế này đã ít nhiều ảnh hưởng tới cách nhìn nhận của hậu thế đối với nhân vật tài năng này.
Chu Bất Nghi
Chu Bất Nghi tự là Nguyên Trực, người Linh Lăng (thuộc Hồ Nam sau này), xuất thân là cháu của Biệt giá Lưu Tiên dưới trướng Lưu Biểu.
Sinh trưởng trong một gia đình danh giá, thiếu niên họ Chu từ sớm đã bộc lộ tài trí hơn người. Sau này, ông được người cậu Lưu Tiên gửi gắm cho danh sĩ Lưu Ba - bậc kỳ tài mà ngay tới Gia Cát Lượng còn phải thú nhận “tự thẹn không bằng”.
Nhờ tài năng cùng xuất thân của mình, danh tiếng của Chu Bất Nghi đã nhanh chóng tới tai vị quân chủ họ Tào.
Tương truyền rằng, Tào Tháo còn đánh giá thiếu niên họ Chu thông minh chẳng kém người con thần đồng của mình là Tào Xung.
Vì vậy, ông không ngại tạo điều kiện cho Chu Bất Nghi cùng Tào Xung trở thành bằng hữu. Mối quan hệ tốt giữa hai người càng khiến Tào Tháo quý mến Bất Nghi.
Cũng xuất phát từ lòng ái mộ thiếu niên họ Chu, vị quân chủ họ Tào từng muốn gả con gái của mình cho Bất Nghi. Mục đích của hành động này thực chất xuất phát từ nỗi lo sợ trong tâm can ông.
Tào Tháo nghĩ rằng, người tài năng như Chu Bất Nghi không dễ lôi kéo, nếu bị kẻ khác thu phục thì quả là mối nguy.
Nhưng bất kể vì mục đích gì, việc Tào Tháo phải dùng tới hôn nhân để kết thân với người này đã cho thấy tài năng đáng nể của Bất Nghi.
Đối với mối hôn sự ấy, người khác có lẽ đã sớm cúi đầu tạ ơn, nhưng không ngờ Chu Bất Nghi lại thẳng thắn cự tuyệt.
Dù vậy, lúc đó Tào Tháo vẫn chưa nổi dã tâm đối với anh tài này. Động cơ trừ khử Chu Bất Nghi bắt nguồn từ một sự kiện bất ngờ xảy ra vào năm 208 - Tào Xung qua đời vào năm 14 tuổi.
Cái chết của người con thần đồng vừa khiến Tào Tháo đau lòng, lại vừa làm ông nảy sinh lo sợ.
Người con tài giỏi nay đã mất, Chu Bất Nghi vốn “không thua Tào Xung”, nhưng bậc kỳ tài ấy lại nhất quyết chẳng chịu kết thân với ông. Chính điều này đã định sẵn kết cục của bậc hiền tài họ Chu.
Khi Tào Tháo quyết định lên kế hoạch trừ khử Chu Bất Nghi, Tào Phi biết tin vội ngăn cản phụ vương. Bấy giờ, ông chỉ nói: “Kẻ này vốn không phải người mà con có thể khống chế”. Nhưng cuối cùng, Chu Bất Nghi bị Tào Tháo sai thích khách hạ sát.
Ngẫm lại, ngay cả nhân tài “bất kham” như Tư Mã Ý vẫn được Tào Tháo lưu lại một con đường sống, nhưng Chu Bất Nghi lại chỉ có kết cục bị giết. Nếu bậc kỳ tài như vậy còn sống trên đời, Tào Tháo e rằng ngay cả ngủ cũng không yên.
Quan Vũ
Tào Tháo vừa quý cái tài nhưng cũng vừa e ngại sự vũ dũng của Quan Vân Trường. Năm xưa, Tào Tháo vô cùng coi trọng tài năng của Quan Vũ, thậm chí còn từng tặng cho nhân vật này ngựa quý Xích Thố.
Có ý kiến cho rằng, Tào Tháo từng một mực hy vọng Quan Vân Trường có thể dốc sức phò tá mình.
Thế nhưng Quan Vũ lại chỉ trung thành với Lưu Bị. Vì vậy ngay cả khi ở Tào doanh, tấm lòng của ông vẫn một mực hướng về vị quân chủ này. Sau cùng, Quan Vân Trường vẫn tìm về để phò tá cho Lưu Bị.
Cũng bởi Quan Vũ sở hữu võ nghệ xuất chúng, uy dũng hơn người, được mệnh danh là “vạn nhân địch”, “uy chấn Hoa Hạ”, lại có tài mưu lược, cho nên Tào Tháo đối với nhân vật này cũng tương đối dè chừng.
Mã Siêu
Có đánh giá nhận định rằng, Mã Siêu là một trong số những nhân vật nổi danh nhưng lại có cuộc đời và kết cục đáng tiếc nhất trong giai đoạn Tam Quốc.
Bởi lẽ, Mã Siêu vốn xuất thân từ một gia tộc lớn, nhưng cả nhà trên dưới 200 nhân mạng đã bị Tào Tháo tru di tam tộc. Chính vì mối thù diệt môn này mà vị tướng họ Mã ấy vô cùng căm hận Tào Tháo.
Mã Siêu khiến Tào Tháo không chỉ thua trận chạy dài mà còn làm ra đủ chuyện nhục nhã chính là Mã Siêu. Luận về mưu lược và võ nghệ, tài năng của Mã Siêu là điều không cần bàn cãi.
Trong trận chiến ở Đồng Quan, vị danh tướng này đã từng chỉ ra nhược điểm của quân Tào là quân lương không đủ, tiếp tế khó khăn, nhiều lần đề nghị cắt đứt đường chuyển lương của địch, chỉ tiếc rằng Hàn Toại không nghe.
Khi nghe được việc này, Tào Tháo từng vì khiếp sợ mà thốt lên rằng: “Thằng ranh họ Mã không chết, ta chết không có đất mà chôn”.
Từ câu nói này có thể thấy, Tào Tháo rất mực kiêng dè Mã Siêu, thậm chí còn có phần thống hận nhân vật ấy.
Nếu đánh giá về tài năng võ thuật của vị tướng họ Mã, không ít người cho rằng ông chỉ đứng sau nhân vật “vô địch thiên hạ” là Lữ Bố.
Cũng trong trận đại chiến Đồng Quan, tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa từng xây dựng nên chi tiết Tào Tháo phải “cắt râu, cởi áo” để chạy trốn khỏi Mã Siêu.
Theo đó, Tào Tháo bấy giờ có dịp giao chiến cùng danh tướng họ Mã, nhưng lại bị Mã Siêu đánh cho đại bại mà bỏ chạy.
Trong lúc truy tìm Tào Tháo giữa nơi hỗn chiến, Mã Siêu kêu lớn: “Kẻ khoác áo đỏ chính là Tào Tháo”.
Nghe thấy vậy, Tào sợ đến nỗi phải vứt bỏ chiếc trường bào ấy.
Mã Siêu thấy vậy, tiếp tục hét lớn: “Tên râu dài chính là Tào Tháo”.
Để có thể chạy thoát thân, Tào đành vội vàng cắt đi bộ râu của mình.
Mã Siêu lại lập tức nói lớn: “Kẻ râu ngắn chính là Tào Tháo”.
Lúc này, vị quân chủ khét tiếng kia chẳng thể làm ra chiêu nào khác, chỉ đành vội vã bỏ chạy. Nhưng dù như vậy, ông vẫn không thoát khỏi sự truy kích của danh tướng họ Mã. Bấy giờ, nếu không có Tào Hồng kịp thời giải vây, chỉ e rằng Tào Tháo đã chẳng thể toàn mạng.
Người có thể khiến một bậc quân chủ kiêu hùng như Tào Tháo làm ra đủ loại hành động nhục nhã như vậy chỉ để chạy thoát thân vốn không nhiều, mà Mã Siêu chính là một trong số đó.
Chỉ tiếc rằng khi gia nhập tập đoàn chính trị của Lưu Bị, vị võ tướng tài giỏi này lại không thực sự được trọng dụng.
Từ những minh chứng trên đây có thể dễ dàng nhận thấy Tào Tháo sợ tài hoa của Chu Du, Chu Bất Nghi là một anh tài từng khiến Tào Tháo vừa ái mộ, lại vừa dè chừng, e ngại sự vũ dũng của Quan Vũ, kiêng dè mối thù không đội trời chung của Mã Siêu.
Trong số đó, có lẽ Mã Siêu là người khiến Tào Mạnh Đức (Tào Tháo) lo ngại hơn cả. Bởi gia tộc vị tướng này đã bị Tào Ngụy tru di, vì vậy Mã Siêu giờ đây chẳng còn gì để mất, cũng không còn điều gì khiến ông sợ hãi.
Quốc Tiệp