Vương Bình tử Tử Quân, là tướng lĩnh thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc, lần lượt phục vụ hai phe Tào Ngụy và Thục Hán. Từ khi phục vụ Thục Hán, ông là một viên tướng tâm phúc, lập nhiều công lao.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Vương Bình được mô tả khá gần với sử sách. Ông xuất hiện từ hồi 71 đến hồi 105. Vai trò của Vương Bình trong chiến dịch Hán Trung được làm nổi bật hơn rất nhiều. Do bất đồng quan điểm với Từ Hoảng (tướng của Tào Ngụy), Vương Bình đã phóng lửa thiêu hủy doanh trại và quy hàng quân của Lưu Bị.
Một trong những điểm nhấn khác khiến người ta nhớ tới Vương Bình chính là trận Nhai Đình. Ba năm sau thắng lợi hoàn hảo ở chiến dịch Nam Trung, dẹp tan mầm mống phản loạn mặt Nam và thu phục nhân tâm các dân tộc thiểu số nơi này, Gia Cát Lượng chính thức tiến hành chiến dịch Bắc Phạt, dẫn đại quân Hán Thục đánh Ngụy lần thứ nhất năm 228. Ngụy Minh Đế Tào Tuấn sai Tư Mã Ý và Trương Cáp mang quân ra địch.
Khi quân Thục tiến đánh Trung Nguyên, vấn đề lương thảo có ý nghĩa then chốt. Hầu hết lương thực cho đại quân của Gia Cát Lượng đều được vận chuyển từ Tây Xuyên qua Hán Trung để vào Trung Nguyên. Một trong những trọng điểm trên tuyến đường vận lương này này là Nhai Đình.
Nhai Đình nằm ở khoảng giữa sông Vị và núi Mạch Tích Nay là đông bắc huyện Thiên Thủy, Cam Túc, là con đường huyết mạch để đi từ Thiểm Tây và Lũng Hữu. Dĩ nhiên cả Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng đều hiểu rõ vai trò chiến lược trọng yếu của Nhai Đình.
Phía Ngụy, Tư Mã Ý lệnh đại tướng Trương Cáp dẫn 5 vạn kỵ binh và bộ binh vòng hướng Tây tiến nhanh đến Nhai Đình, trước là chẹn con đường huyết mạch của quân Thục, sau là đánh tập hậu chiếm lại vùng Lũng Hữu.
Để đối địch với danh tướng Trương Cáp, mọi người đều cho rằng nên dùng mãnh tướng Ngụy Diên hoặc Ngô Ý đã dày dạn kinh nghiệm trận mạc, nhưng Gia Cát Lượng lại chọn Mã Tốc (có bản dịch là Mã Tắc) làm chính tướng, Vương Bình làm phó tướng cầm quân khẩn cấp ra trấn thủ Nhai Đình.
Mã Tốc và Vương Bình tiến đến Nhai Đình đúng lúc tướng Ngụy là Trương Cáp dẫn quân tới. Mã Tốc bỏ đường sông, trấn giữ trên núi. Vương Bình nhiều lần phản đối, nhưng Mã Tốc không nghe. Cuối cùng, Vương Bình đành xin Mã Tốc cho 1000 người ngựa ra đóng trại dưới chân núi (trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010 là 5000 người ngựa).
Trương Cáp theo sự chỉ đạo của Tư Mã Ý đã mang quân vây trại của Mã Tốc trên núi, rồi cắt đứt đường nước. Quân Thục thiếu nước, hoảng loạn. Trương Cáp dồn sức tấn công phá tan Mã Tốc. Cánh quân Mã Tốc bỏ chạy tán loạn, chỉ còn 1.000 người ngựa của Vương Bình vẫn giữ vững được doanh trại.
Thấy Mã Tốc đại bại, Vương Bình đốc quân dồn sức chiến đấu, cố thủ không rút. Trương Cáp nghi quân Hán có phục binh nên không dám tiến. Vương Bình nhân có thời gian bèn chỉnh đốn đội ngũ, thu thập những quân sĩ của Mã Tốc bỏ chạy, rồi bình tĩnh rút về.
Vì thất thủ Nhai Đình, Gia Cát Lượng phải triệt thoái toàn quân về đất Thục. Mã Tốc bị xử tội chết, Hoàng Tập bị thu binh quyền. Riêng Vương Bình được ban thưởng, thăng làm Tham quân, thống lĩnh 5 quân kiêm chức Đương doanh sự, Thảo khấu tướng quân và sắc phong Đình hầu. Đây là sự thăng tiến đặc biệt vượt cấp đương thời và đều được tướng sĩ ủng hộ.
Theo sử liệu, sau khi Gia Cát Lượng mất, Vương Bình được phong làm Hậu điển tướng quân, rồi An Hán tướng quân, phò trợ Xa kị tướng quân Ngô Ý trấn thủ Hán Trung, lại kiêm chức Thái thú Hán Trung.
Năm 237, Vương Bình được phong làm An Hán hầu, trấn thủ Hán Trung thay Ngô Ý.
Năm 238, Đại tướng quân Tưởng Uyển đóng quân ở Miện Dương. Vương Bình được phong làm Tiền tướng quân, xử lý công việc trong phủ Đại tướng quân.
Năm 243, Tưởng Uyển bệnh nặng, dẫn quân về huyền Bồi, bổ nhiệm Vương Bình làm Trấn bắc đại tướng quân, thống lĩnh Hán Trung.
Năm 248, Vương Bình qua đời. Không rõ khi đó ông bao nhiêu tuổi. Con trai ông là người kế nhiệm tức vị.
Quốc Tiệp (t/h)