Tôi đã có số bài viết phân tích về các phương pháp thống kê của Việt Nam còn nhiều vấn đề phải suy ngẫm, điều chỉnh cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ nói về sự “méo mó” đáng sợ liên quan đến con số thống kê khi người ta giật title trên báo và dựa vào con số công bố của cơ quan nhà nước. Bạn đọc rất ngạc nhiên khi một bài báo có title: “Hơn 210 nghìn tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa”, tác giả Huyên Nguyễn, thứ Bảy 23/09/2023.
Để đối chiếu, so sánh, tôi đã đọc toàn bộ nội dung Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày 18 tháng 9 năm 2023. Dưới góc nhìn của cử tri, tôi thấy có số vấn đề cần làm rõ như sau:
Nghị quyết giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thống kê: Trong 8 năm, từ 2015 đến 2022, Nhà nước đã chi 213.449,72 tỷ đồng cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Số liệu thống kê ấy không đúng.
Nói đúng sự thật thì đây là số tiền từ ngân sách Nhà nước đã chi cho giáo dục phổ thông trong 8 năm. Trong số đó có 81.770 tỷ chi thường xuyên (tức là chi lương cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và chi tiêu hành chính cho cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục phổ thông); 131.679,58 tỷ chi cho đầu tư (chủ yếu là xây dựng cơ sở vật chất).
Dù có đổi mới chương trình, sách giáo khoa hay không thì Nhà nước vẫn phải chi các khoản trên. Sự thật là từ 2015 đến tháng 9 năm 2020, các trường phổ thông trong toàn quốc chưa thực hiện chương trình, sách giá khoa mới. Từ tháng 9/2020, bắt đầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở lớp 1; sau đó, mỗi năm thêm 1 - 2 lớp thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Như vậy nghĩa là cho đến tháng 9 năm 2022, vẫn còn các lớp 3, 4, 5, 7, 8, 9, 11, 12 chưa thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Quốc hội thống kê như vậy là thiếu minh bạch, công tâm.
Thực ra, trong suốt từng ấy năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ phải chi khoảng 144 tỷ đồng để xây dựng, thẩm định, tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ sách giáo khoa Cánh Diều và một số sách giáo khoa lẻ bộ, như sách giáo khoa Tiếng Anh biên soạn, xuất bản, phát hành hoàn toàn bằng vốn của tư nhân; Nhà nước chỉ mất tiền chi cho các hội đồng thẩm định. Chỉ có 2 bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn, xuất bản, phát hành bằng nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước, tức là bằng ngân sách Nhà nước.
Cử tri chỉ đề nghị số liệu trong các văn bản của cơ quan Nhà nước, nhất là trong báo cáo giám sát của Quốc hội, phải cụ thể, chính xác, sát thực tế. Có như vậy mới đánh giá đúng tình hình và có giải pháp đúng. Cơ quan ngôn luận khi giật title cũng nên bám sát, tránh việc dư luận hiểu lầm.
Tô Văn Trường