Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất thí điểm mô hình trung tâm giao dịch BĐS do Nhà nước quản lý, nhằm tăng cường tính công khai và minh bạch trong các giao dịch. Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát tốt hơn thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ và thao túng giá.
Việc thành lập trung tâm giao dịch BĐS do Nhà nước quản lý được kỳ vọng sẽ tăng cường tính công khai, minh bạch trong các giao dịch, đồng thời hạn chế rủi ro về giá cả và pháp lý cho người mua. Điều này giúp người mua tiếp cận thông tin chính xác về BĐS, giảm thiểu nguy cơ bị lừa đảo hoặc mua phải dự án không đủ điều kiện pháp lý.
Vừa "nguy" vừa "cơ" cho môi giới BĐS
Tham gia trực tiếp vào thị trường và là người kiếm sống từ BĐS, trao đổi cùng Người Đưa Tin, anh Vũ Ngọc Ích (Hà Nội, 35 tuổi) - một môi giới tự do chia sẻ đây có thể là một mô hình tác động tích cực đến thị trường.
Ví von Trung tâm giao dịch BĐS sẽ tựa như một cuốn "từ điển về đất", anh Ích phân tích người mua bán BĐS có thể tra cứu mọi thông tin về dự án, sản phẩm BĐS mà mình định mua thông qua trung tâm này.
"Việc có thể tra cứu thông tin từ trung tâm sẽ giúp cả người bán và người mua thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin, cũng đỡ khiến môi giới như chúng tôi mất quá nhiều thời gian giới thiệu về dự án tới khách hàng, tránh được cả tình trạng khách hàng sợ bị môi giới "bánh vẽ" về dự án, những người môi giới làm ăn chân chính hoàn toàn có thể hưởng lợi", anh Ích nêu.

Trung tâm giao dịch BĐS sẽ tựa như một cuốn "từ điển về đất".
Trái ngược lại với phản ứng tích cực của anh Ích, anh Nguyễn Văn Linh (Hà Nội, 26 tuổi) đang hoạt động trong một sàn giao dịch BĐS trên địa bàn Hà Nội lại lo ngại rằng việc thành lập trung tâm giao dịch BĐS do Nhà nước quản lý có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các sàn giao dịch tư nhân, thậm chí gây ra sự cạnh tranh không công bằng.
"Nếu Nhà nước yêu cầu tất cả giao dịch BĐS phải thực hiện thông qua trung tâm này, các sàn giao dịch tư nhân có thể bị gạt ra khỏi thị trường hoặc mất đi một phần đáng kể lượng giao dịch. Điều này có thể tạo ra thế độc quyền, khiến người dân và doanh nghiệp buộc phải sử dụng dịch vụ của trung tâm công mà không có nhiều lựa chọn khác", anh Linh trăn trở.
Ngoài ra, môi giới này cũng lo ngại nếu trung tâm do Nhà nước quản lý có cơ chế ưu đãi về phí giao dịch, thuế, hoặc các chính sách hỗ trợ khác, các sàn giao dịch tư nhân sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về giá cả và dịch vụ.
Chưa kể, nhiều sàn giao dịch tư nhân đã hoạt động lâu năm, xây dựng được hệ thống dịch vụ chuyên nghiệp và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Nếu Nhà nước tham gia vào thị trường nhưng không đảm bảo tính chuyên nghiệp như các sàn tư nhân, chất lượng dịch vụ có thể bị ảnh hưởng, gây tâm lý e ngại trong giới đầu tư và người mua BĐS.

Môi giới BĐS hoạt động tại các sàn e ngại về sự cạnh tranh khi trung tâm giao dịch BĐS do Nhà nước quản lý ra đời.
Vì vậy, anh Linh cho rằng cần tránh tình trạng độc quyền và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh bằng cách quy định thống nhất về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của tất cả các đơn vị giao dịch, bao gồm cả trung tâm Nhà nước và sàn tư nhân, để đảm bảo "sân chơi" công bằng.
Đặc biệt, dữ liệu thị trường cần được quản lý một cách khách quan, không thiên vị cho bất kỳ đơn vị nào, giúp người dân và doanh nghiệp có thể so sánh và lựa chọn nơi giao dịch phù hợp.
Cần cơ chế chặt chẽ để tránh cản trở thị trường
Trao đổi cùng Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Anh - Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng mô hình Trung tâm giao dịch BĐS và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý có thể được xem như một sàn giao dịch chính thức, tương tự như các sàn giao dịch việc làm hay các nền tảng mua bán khác.
Một trong những lợi ích lớn nhất của mô hình này là giúp quản lý chặt chẽ các giao dịch trên thị trường, tập trung thông tin và minh bạch hóa tình hình giao dịch.
"Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc tổ chức thực hiện sẽ như thế nào. Nếu bắt buộc mọi giao dịch phải thông qua trung tâm này, điều gì sẽ tạo động lực để các bên tham gia và tuân thủ quy định? Ngoài ra, việc Nhà nước quản lý toàn bộ thông tin cũng đặt ra bài toán về tổ chức hệ thống, đảm bảo tính hiệu quả và không gây cản trở đến thị trường", ông Quốc Anh bày tỏ lo ngại.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn.
Một điểm quan trọng nữa được vị chuyên gia nhấn mạnh cần cân nhắc là khả năng xử lý giao dịch của trung tâm này, vì số lượng giao dịch BĐS trên thị trường rất lớn.
Đồng thời, yếu tố tiện lợi cũng rất quan trọng, bởi trước đây, giao dịch BĐS chủ yếu mang tính dân sự giữa người mua và người bán, không qua khâu trung gian bắt buộc. Nếu giờ đây, tất cả giao dịch phải thực hiện qua trung tâm, điều gì sẽ khiến các bên tiếp tục duy trì giao dịch mà không tìm cách lách luật.
Bên cạnh đó, ông Quốc Anh cho rằng cũng cần làm rõ các nghĩa vụ về thuế, ghi nhận hợp đồng và tránh tình trạng một số bên tuân thủ quy định trong khi những người khác thì không, khiến hệ thống trở nên kém hiệu quả.
Do đó, cần đào tạo đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giao dịch, cũng như thiết lập quy trình kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.
Với việc thành lập trung tâm giao dịch mới, theo vị chuyên gia cho rằng sẽ thêm yếu tố cạnh tranh trên thị trường, người mua và người bán có thêm kênh để giao dịch, có thể trở thành yếu tố thúc đẩy giao dịch trên thị trường sôi động hơn.
Do đó, Tổng Giám đốc của Batdongsan.com.vn đánh giá về cơ bản, việc thành lập một sàn giao dịch BĐS không phải là ý tưởng mới. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, cần có một cơ chế tổ chức chặt chẽ và các biện pháp khuyến khích phù hợp.
"Một giải pháp có thể là yêu cầu các sàn môi giới BĐS tham gia giao dịch phải có đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, giúp thị trường vận hành suôn sẻ hơn. Tuy nhiên, nếu Nhà nước yêu cầu tất cả giao dịch chỉ được thực hiện trên một sàn duy nhất, thì bài toán vận hành và xử lý lượng thông tin khổng lồ sẽ là một thách thức lớn", vị này nêu.
Vì vậy, mặc dù mô hình này có thể giúp tăng cường kiểm soát và minh bạch, nhưng việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều điều cần cân nhắc để đảm bảo hiệu quả và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hiện tại.

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng giao dịch BĐS thông qua sàn sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của người mua nhà.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sàn Việt Nam (VARS) khẳng định việc đưa giao dịch BĐS thông qua sàn sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của người mua nhà.
Khi có những đơn vị chuyên nghiệp có đủ năng lực thẩm định, thẩm tra và quản lý các sản phẩm BĐS, từ đó trở thành hệ thống trung gian giúp người mua nhà nắm rõ thông tin về chất lượng, pháp lý, giá cả… của bất động sàn mà họ dự định mua.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc quản lý chặt chẽ và minh bạch BĐS thông qua trung tâm giao dịch sẽ góp phần tạo ra một thị trường lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và nâng cao uy tín cho các chủ đầu tư uy tín.