Từ năm 2025, Lịch sử sẽ là một trong 9 môn tự chọn thi tốt nghiệp THPT. Là môn thi nhiều năm qua học sinh thường e ngại học, tuy nhiên, các thí sinh lại không biết đây là một trong những môn học cơ bản để xét tuyển các ngành luật, truyền thông, báo chí, du lịch, tâm lý học,….
Với lượng tri thức mà môn học này cung cấp, trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Tổng Chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đánh giá môn Lịch sử có sứ mệnh quan trọng ở cấp THPT.
"Lịch sử là môn học thuộc nhóm môn Khoa học xã hội, được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học phổ thông.
Môn học này có sứ mệnh giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực lịch sử, thành phần của năng lực khoa học đồng thời góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được xác định trong chương trình tổng thể", ông Vỳ cho hay.
Trên thực tế Lịch sử không phải là môn học thuộc lòng, mà người học phải phát triển được tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu. Nhận thức và trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại.
Trong Chương trình GDPT 2018, nội dung môn Lịch sử hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Đồng thời, giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam. Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại.
Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm học, những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề. Mục tiêu của các chuyên đề này là mở rộng, nâng cao kiến thức và năng lực sử học đáp ứng yêu cầu phân hóa sâu ở cấp trung học phổ thông.
Giúp học sinh hiểu sâu hơn vai trò của sử học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến lịch sử để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này.
Ngoài các năng lực chung, môn Lịch sử còn góp phần tăng cường năng lực tin học cho học sinh, thể hiện ở việc bồi dưỡng khả năng tìm kiếm và xử lý thông tin từ các nguồn khác nhau. Trong đó có Internet, kỹ năng cơ bản sử dụng các phần mềm tin học văn phòng để tổ chức và lưu giữ, xử lí thông tin và trình bày bài tập địa lý và bài tập lịch sử.
Khác với Chương trình GDPT 2006, chương trình mới toàn bộ nội dung dạy và học sẽ được tổ chức thành các chủ đề và các chuyên đề học tập. Các chủ đề và chuyên đề này được xác định dựa trên các lĩnh vực của sử học và các mạch nội dung chính của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.
Từ kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn, thầy giáo Hồ Như Hiển - Trường liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hóa nhận thấy để khuyến khích và thay đổi thái độ học tập môn lịch sử, giáo viên nên sử dụng các tài liệu đa phương tiện như video, phim tài liệu hoặc phim về đề tài lịch sử để giới thiệu kiến thức.
"Việc học lịch sử hiện nay không nên khô cứng, dừng lại ở học tập trên lớp. Giáo viên nên khuyến khích các em tham gia vào các hoạt động trực tiếp như thăm đi hiện trường lịch sử, bảo tàng, xem các tư liệu và phim tài liệu. Khi kết hợp giữa sách giáo khoa và các tư liệu đa phương tiện có thể giúp tạo ra trải nghiệm học tập phong phú và sinh động hơn cho học sinh", ông Hồ Như Hiển chia sẻ.
Với Chương trình GDPT 2018, càng tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh sáng tạo khi học tập môn Lịch sử, gắn lịch sử với thực tế cuộc sống.
Theo thầy giáo, người dạy nên việc chú trọng xây dựng, tìm tòi các thước phim và tư liệu lịch sử hấp dẫn để hỗ trợ học sinh tiếp cận môn học một cách dễ dàng và sinh động hơn. Đây cũng là công cụ để kích thích sự tò mò và hứng thú của họ với môn học này.
Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống tiếp cận hệ thống kiến thức cơ bản, khoa học, cập nhật; chú trọng lịch sử dân tộc trong sự tương tác với lịch sử khu vực và thế giới; bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình.
Biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, trình bày sinh động, kết hợp hài hòa phần text với đồ hoa, trục thời gian,... gắn với tư liệu, hình ảnh tiêu biểu.
Kết nối liên thông về nội dung, cách tiếp cận với sách giáo khoa lớp 10, lớp 11; giúp học sinh nâng cao năng lực lịch sử, chú trọng năng lực sử dụng các công cụ của khoa học lịch sử để học tập, vận dụng vào thực tiễn; phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung.
Hệ thống chuyên đề tự chọn được thiết kế bao gồm các nội dung về lịch sử dân tộc và thế giới, tạo điều kiện cho học sinh nhận thức đầy đủ hơn về định hướng lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.