Video về các chướng ngại vật chống tăng này đã được cơ quan dịch vụ báo chí của Bộ Quốc phòng Litva (Lithuania) công bố, trang tin quân sự Militarnyi của Ukraine cho biết hôm 10/10.
Độ chắc chắn của lớp rào chắn mới đã được thử nghiệm với xe bọc thép cứu hộ Bergepanzer 2 do Đức sản xuất.
"Các rào chắn này đã được chứng minh là có hiệu quả ngăn chặn các phương tiện hạng nặng, làm chậm đáng kể mọi bước tiến", Bộ Quốc phòng Litva tuyên bố trong thông cáo báo chí của mình.
Có thông tin cho biết lớp phòng thủ mới sẽ được lắp đặt trên các tuyến đường từ khu vực Kaliningrad của Liên bang Nga. Kaliningrad là một trong 46 khu vực hành chính của Nga, nhưng nằm tách biệt với các vùng khác của đất nước. Đặc biệt vùng lãnh thổ hải ngoại này nằm kẹp giữa 2 quốc gia thành viên NATO-EU là Litva và Ba Lan.
Vào đầu tháng 9, Militarnyi đã đưa tin về việc Litva lắp đặt các công trình phòng thủ trên biên giới với vùng Kaliningrad.
Theo Bộ Quốc phòng Litva, biện pháp này nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia vùng Baltic trước các nguy cơ phá hoại từ nước ngoài, đồng thời trì hoãn lực lượng địch trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công toàn diện.
Việc củng cố biên giới với Nga là một phần trong chương trình nhà nước của Litva nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của nước này. Năm nay, Bộ Quốc phòng Litva đã phân bổ gần 3 triệu Euro từ ngân sách để thực hiện các biện pháp này. Bắt đầu từ năm 2025, Quỹ Quốc phòng Litva sẽ được sử dụng cho các biện pháp này.
Cũng có thông tin cho biết trong tương lai gần, các rào chắn dự phòng dự kiến sẽ được lắp đặt trên các tuyến đường quốc lộ của Litva và trên các lối vào các cây cầu.
Hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kasčiūnas đã công bố việc khai trương đoạn rào chắn đầu tiên tại khu vực giáp biên giới với Belarus.
Theo ông Kasčiūnas, sẽ có 27 đoạn như vậy được xây dựng. Vị Bộ trưởng cũng lưu ý rằng các công trình như vậy sẽ được xây dựng "gần như hàng tuần".
Các công trình này sẽ được trang bị nhiều loại rào chắn khác nhau, bao gồm "răng rồng" (dragon teeth) – một tuyến phòng thủ bao gồm một hào sâu và hai dãy công sự chống tăng, "nhím" chống tăng (Czech hedgehog) và các rào chắn bê tông khác khiến xe cộ không thể di chuyển qua khu vực.
Các biện pháp đã được thực hiện như một phương pháp phòng ngừa để đảm bảo phòng thủ hiệu quả, Bộ Quốc phòng Litva tuyên bố.
Gần đây, trang Militarnyi cũng đưa tin rằng, Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) xây dựng một tuyến phòng thủ dọc biên giới của liên minh với Nga và Belarus.
Một số nhà ngoại giao EU ước tính chi phí xây dựng một tuyến phòng thủ như vậy dọc theo biên giới EU với Nga và Belarus vào khoảng 2,5 tỷ Euro.
Việc lập kế hoạch và xây dựng một tuyến phòng thủ trên biên giới phía đông của EU nên được thực hiện phối hợp với NATO và các yêu cầu quân sự của liên minh này, trang tin của Ukraine cho biết.
Minh Đức (Theo Militarnyi, Forces News)