Lò vi sóng hâm nóng thức ăn trong thời gian rất nhanh, có thể chưa tới 1 phút và trở thành vật dụng nấu bếp phổ biến trên khắp thế giới. Nhưng chính vì thời gian làm nóng và làm chín thức ăn nhanh như vậy, liệu lò vi sóng có khiến thực phẩm mất đi giá trị dinh dưỡng không? Có làm các chất trong thực phẩm bị biến đổi để tăng nguy cơ ung thư hay không?
Trên thực tế, cơ chế hoạt động của lò vi sóng là một ống chân không năng lượng cao (magnetron) cung cấp năng lượng, chuyển đổi năng lượng sóng ngắn từ điện. Các phân tử nước trong thực phẩm được lò vi sóng làm rung động và nhanh chóng giải phóng nhiệt. Nhờ đó, thực phẩm được hâm nóng.
Một thực tế khác là tất cả các cách nấu ăn đều làm mất đi giá trị dinh dưỡng của thực phẩm và biến đổi thực phẩm đó, chỉ là mỗi cách nấu làm mất đi ở một mức độ khác nhau và theo những cách khác nhau. Nhiệt độ ko làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng ở thức ăn mà chính là nước gây biến đổi mạnh hơn.
Luồng thông tin lò vi sóng có thể làm thực phẩm sinh chất gây ung thư đến từ một số nghiên cứu trên thế giới. Trong đó có một nghiên cứu từ Tây Ban Nha sau khi làm thử nghiệm với súp lơ xanh quay bằng lò vi sóng. Hầu hết các chất dinh dưỡng trong súp lơ xanh bị mất đi. Tuy nhiên, thực tế là các nhà nghiên cứu đã cho súp lơ xanh vào cùng với nước và chính nhiệt độ cao cùng nước đã làm mất đi chất dinh dưỡng của súp lơ xanh.
Một nghiên cứu khác đã thử nghiệm 20 loại rau với các phương pháp nấu ăn khác nhau. Kết quả là nấu và đun sôi làm mất chất dinh dưỡng trong thực phẩm mạnh nhất. Nướng và lò vi sóng, trái với lo ngại, lại giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Kết quả này trùng với một nghiên cứu được tiến hành từ năm 2013, trong đó tập hợp hơn 100 kết quả nghiên cứu thì hấp là cách nấu tốt nhất với rau để bảo toàn dinh dưỡng, với điều kiện không hấp kèm theo nước.
Lò vi sóng thường không làm nóng đồng đều thức ăn, vì thế, người dùng nên trộn đều món ăn lên để cả món được làm nóng đều. Như vậy, có thể kết luận rằng lò vi sóng không làm mất đi nhiều giá trị dinh dưỡng trong thực phẩm.