Một số tác hại của dưa muối, ít ai hay
Dưa muối là món ăn kèm vị mặn, giòn, tính mát, có một số tác dụng với sức khỏe, kích thích tiêu hóa. Mặc dù dưa muối ngon, ăn dễ đưa cơm nhưng loại rau này có chứa nhiều nitrit, nếu ăn thường xuyên sẽ ảnh hưởng nhất định đến cơ thể.
Bác sĩ Hải Châu chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống về những tác hại của dưa muối như sau:
Gây kích ứng dạ dày: Ăn nhiều dưa muối dễ gây kích thích tăng tiết axit dạ dày, làm phát triển hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, và dễ làm khởi phát viêm loét dạ dày có sẵn.
Nguy cơ ung thư dạ dày: Nghiên cứu cho thấy các thực phẩm ngâm cực kỳ mặn có thể đặt bạn vào nguy cơ ung thư dạ dày.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản, khi thực phẩm ngâm muối được dùng rất phổ biến trong ẩm thực hàng ngày, quan sát cho thấy tỷ lệ ung thư dạ dày cao hơn đáng kể.
Gần đây, một nhóm các bác sĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ xem xét chế độ ăn của bệnh nhân bị ung thư dạ dày và phát hiện ra rằng: bệnh nhân ung thư dạ dày ăn ít hơn đáng kể bánh mì, ngũ cốc, sữa và nước cam ép, nhưng họ ăn dưa chua nhiều hơn so với những người không bị ung thư. Cần nhiều nghiên cứu hơn để làm sáng tỏ mối liên quan này.
Làm tăng huyết áp: Bảo quản bất kỳ loại thực phẩm nào cũng đòi hỏi việc bổ sung thêm muối và muối chiếm khoảng 5% của hầu hết các công thức muối dưa. Lượng muối nhiều có thể làm tăng huyết áp. Muối và natri là nhân vật phản diện khi nói đến sống chung với bệnh tăng huyết áp và bệnh tim.
Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ cho thấy những người có tăng huyết áp hoặc tiền tăng huyết áp cần hạn chế lượng natri hàng ngày của họ và chỉ cần 1.500mg/ngày.
Những người khỏe mạnh nếu muốn ăn dưa muối cần lưu ý những điều dưới đây khi ăn dưa muối để không ảnh hưởng đến sức khỏe:
- Hạn chế ăn dưa muối khi còn hăng, cay, có vị ngai ngái vì chúng còn nhiều nitrosamin có thể gây ung thư. Cũng không nên ăn dưa đã quá chín, quá chua, dưa đổi màu, bị nhớt…
- Nên vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ muối dưa, không muối dưa vào thùng sơn, nhựa tái chế…
- Trước khi ăn nên rửa sạch dưa nhiều lần để giảm độ mặn và độ chua của dưa.
- Không nên ăn dưa muối thường xuyên, mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 50gr dưa muối và ăn 2-3 lần/ngày.
Măng cực độc với những người này, biết để tránh "rước họa vào thân"
Măng là một món ăn tốt cho sức khỏe vì sự đa dạng dinh dưỡng và hương vị hấp dẫn. Nhưng măng lại tốt với người này nhưng độc với người khác, thậm chí có thể gây nguy hiểm.
Trong Đông y, măng là một thực phẩm không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là một món ăn có giá trị chữa bệnh.
Dựa vào giá trị dinh dưỡng của măng sẽ giúp bạn nhận biết mình có nên ăn măng hay không.
Các thành phần dinh dưỡng trong măng được xem là vô cùng phong phú, nhờ sự giàu protein và amino axit, vitamin, canxi, phốt pho, sắt, cùng các nguyên tố vi lượng và cellulose nên đây được xem là món ăn có khả năng mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nhu động ruột, giúp tiêu hóa, có thể ngăn ngừa táo bón và ung thư ruột kết.
Không những thế, nhiều người trong giai đoạn điều trị nhiều loại bệnh sẽ cần đến món măng như là một loại thuốc để hỗ trợ điều trị. Đây là lý do vì sao bạn nên hiểu về việc măng tốt với người này nhưng lại xấu với người khác, bị mang tiếng "thị phi" như vậy.
Măng là thực phẩm khó tiêu hóa. Với bệnh nhân xơ gan, măng gây khó chịu, làm tổn hại dạ dày và thực quản. Những người mắc bệnh tiêu hóa khi ăn măng sẽ khó tiêu, đầy bụng, trào ngược axit, thậm chí bị chảy máu thành bụng. Người già có hệ tiêu hóa kém cũng được khuyến cáo không nên ăn măng.
Có thể nhiều người chưa biết xyanua là hóa chất dùng trong công nghiệp khai thác quặng, có thể gây tử vong ngay lập tức với một lượng nhỏ. Chất độc này cũng có trong một số thực phẩm ngoài tự nhiên.
Theo Lao Động xyanua được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên như sắn, măng ở dạng glucosid là glycosid cyanogen (linamarin và lotaustralin). Dưới tác động của dịch vị và men tiêu hóa, các chất trên sẽ bị thủy phân và giải phóng ra axit cyanhydric.
Để phòng tránh ngộ độc xyanua. Bạn nên luộc sôi kỹ (nếu có thể thì sôi trong 1-2 tiếng), măng tươi trước khi ngâm trong lọ thì thái thành các miếng nhỏ và mỏng sau đó ngâm trước trong nước trong 24 giờ để loại bớt độc tố.
Lưu ý trong quá trình luộc hoặc ngâm măng ở ngoài thì cần thay nước mới nhiều lần để loại bỏ hiệu quả các độc tố (vì nước cũ đã có độc tố từ măng khuếch tán ra).
Ngoài ra, măng chứa độc tố cyanide nên không tốt cho sức khỏe nếu không được chế biến đúng cách.
Để loại bỏ chất độc, trước khi nấu, bạn nên luộc, ngâm chua hoặc phơi khô măng. Tuyệt đối không ăn măng sống.
Thông thường mỗi cân măng củ có khoảng 230mg cyanide, có thể gây tử vong ngay tức thì cho hai đứa trẻ hơn một tuổi.
Khi luộc sôi khoảng 12 giờ, hàm lượng cyanide vẫn còn khoảng 160mg trong mỗi cân. Nhưng nếu luộc và ngâm nước lâu ngày, khi măng đã ngả màu vàng và mùi chua, thì hàm lượng Cyanide chỉ còn chưa đầy 9mg trong mỗi kg.
Theo Tiền Phong để tránh ngộ độc khi ăn măng, cách tốt nhất là phải luộc măng thật kỹ, khi luộc thay nước nhiều lần, ngâm măng đủ thời gian trước khi sử dụng.
Trúc Chi (t/h)