Dọc mùng vốn là cây mọc um tùm ở gần nơi ẩm thấp xưa người dân thường hay cắt về cho heo, gà... ăn vì nhầm tưởng đó là cây ráy ngứa. Dần dần chúng trở thành loại rau được ưa chuộng trong các bữa ăn.
Ở nước ta dọc mùng (hay còn gọi là ráy dọc mùng, bạc hà...) là loài thực vật thuộc họ ráy, phổ biến ở vùng nhiệt đới châu Á rồi lan rộng đến miền Đông bắc Úc. Cây này vốn là cây thân thảo, cuống lá dày, xốp và mọng nước; cây có lá vươn cao hơn 1m, lá bản to hình trái tim, giữa có gân chạy dọc chiều dài của lá; phần rễ phình ra như dạng củ; cây trổ hoa vào mùa xuân sang mùa hè, hoa đực mọc ở ngọn dòm dạng thỏi có bao choàng., hoa cái mọc ở gốc thỏi; quả màu đỏ, hình trứng.
Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, người dân nhiều nơi trồng loại rau này và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiết lộ với Dân Việt về trồng cây dọc mùng cho hiệu quả kinh tế cao, anh Phạm Quốc Tuấn, một nông dân trồng 3.000m2 dọc mùng cho biết, trước đây gia đình anh chuyên trông bắp, đậu cô ve, mướp đắng... Song do thời tiết thất thường, năng suất giảm nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó anh chuyển sang trồng dọc mùng – loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và ít vốn đầu tư.
“Thời gian từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 3 tháng. Nếu chăm sóc tốt, mỗi bẹ dọc mùng cao khoảng 2m, trọng lượng 2-3kg/bẹ. Mỗi lứa tôi thu hoạch khoảng 30 tấn, một năm trồng 2 lứa. Sau khi trừ các chi phí đầu tư, tôi thu về 150 – 180 triệu/năm”, anh Tuấn nói.
Theo y học hiện đại, trong khoảng 100g dọc mùng chứa 95g nước, 0,25g protein và lương bột đường là 3,8g. Dọc mùng chứa lượng lớn phốt pho, kali, canxi, magie, sắt, vitamin C. Trong khi đó trong Đông y, dọc mùng có vị nhạt, tính mát, không có độc, tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Vì vậy, ngoài dùng làm thực phẩm nấu canh cá, canh sườn, dọc mùng còn có tác dụng chữa bệnh. Thân và lá dọc mùng tiêu ứ, trừ giun. Củ dọc mùng phơi khô tán bột để chữa bệnh ngoài da.
Nói về lợi ích cây dọc mùng, lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, dọc mùng còn gọi là bạc hà, mon thơm, được trồng nhiều ở các địa phương trong cả nước. Cây dọc mùng dễ phát triển ở nhiều loại đất khác nhau nhưng hay mọc ở nơi ẩm ướt. Nổi bật nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng dọc mùng tốt cho những người bị mỡ máu, cholesterol máu cao, được coi như "máy quét" mỡ ra khỏi cơ thể. Đây cũng là thực phẩm đầu bảng tốt cho giảm cân, hệ tim mạch.
Không chỉ chế biến thành món thơm ngon, loại rau này còn có thể dùng tươi hoặc phơi khô làm thuốc. Để điều trị bệnh sởi, người ta lấy bẹ dọc mùng rửa sạch, phơi khô và đem nấu với nước cho tới khi cô đặc lại, uống 2-3 lần/ngày, kiên trì trong 4-5 ngày. Dọc mùng còn sử dụng trong trị cảm cúm bằng cách phơi khô, sắc cô đặc, uống khi còn ấm nóng.
- Cân bằng nội tiết tố: Ăn dọc mùng thường xuyên giúp tăng cường nội tiết tố. Bởi trong loại rau này giàu kẽm. Đặc biệt, kẽm cũng rất cần thiết để sản xuất estrogen và progesterone hỗ trợ sinh sản. Một số sự thay đổi của tâm trạng hay kinh nguyệt xảy ra khi cơ thể thừa hay thiếu estrogen.
- Cải thiện chứng mất ngủ: Magie là thành phần có trong dọc mùng giúp người bệnh có một giấc ngủ ngon. Những người có mức tiêu thụ magie thấp có nguy cơ mất ngủ cao. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy những người có bổ sung magie có thể làm tăng hiệu quả giấc ngủ. Tác dụng này là do magie giúp giảm các triệu chứng mất ngủ hiệu quả, tăng cường hiệu quả giấc ngủ, khởi phát giấc ngủ và thời gian ngủ.
- Tốt cho tim mạch: Magie không chỉ giúp cơ thể có giấc ngủ ngon hơn mà còn ngăn chặn các rối loạn nhịp tim hay tổn thương tim. Khi cơ thể thiếu hụt magie sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dễ gây tử vong. Do đó, nên bổ sung dọc mùng vào khẩu phần ăn hàng ngày, thông tin trên Tiêu Dùng.
- Rất tốt cho mắt: Hàm lượng vitamin A và E cần thiết cho mắt, nhất là bệnh thoái hóa điểm vàng thường gặp ở người cao tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ nhiều vitamin A và vitamin E giúp cải thiện thị lực và chữa bệnh ở những người đã trải qua phẫu thuật mắt bằng laser.
Mặc dù ăn dọc mùng tốt cho sức khoẻ tuy nhiên bạn không nên lạm dụng ăn quá nhiều. Bởi trong một số nghiên cứu cho thấy, những người ăn canh chua không có dọc mùng tỉ lệ tăng acid uric trong máu chỉ khoảng 15%, trong khi những người thường xuyên ăn canh chua dọc mùng có lượng acid uric trong máu cao hơn rất nhiều. Do đó, người đã bị bệnh gout hoặc đang đứng ở ranh giới báo động có nguy cơ bị bệnh gút thì nên kiêng món ăn khoái khẩu này nếu không muốn bệnh tình diễn biến theo chiều hướng nặng.
Khi chế biến dọc mùng không cẩn thận dễ gây ngứa họng khi ăn nên nhiều người không thích. Sơ chế dọc mùng cần làm thật kỹ. Thân dọc mùng tước sạch vỏ, bỏ phần màng trắng, sau đó ngâm với nước muối khoảng 15 phút. Vắt sạch nước trong dọc mùng rồi mang đi nấu canh.
Tuy là một loại cây quen thuộc ở vùng quê Việt Nam nhưng không phải ai cũng phẩn biệt được cây dọc mùng với cây ráy. Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cây dọc mùng thường hay bị nhầm với cây ráy. Trái ngược với hương vị giòn ngọt, tươi mát của dọc mùng sau khi chế biến cẩn thận, ăn phải lá hoặc thân ráy thường dẫn tới các triệu chứng tê môi lưỡi, cứng hàm, méo miệng. Triệu chứng này xuất phát từ hàm lượng sapotoxin có trong cây ráy. Theo đó, để phân biệt cây ráy và cây dọc mùng, bạn lưu ý, cuống lá của dọc mùng có màu xanh nhạt và phủ một lớp phấn trắng bên ngoài. Cuống lá của cây ráy to và cứng cáp, khi tiếp xúc trực tiếp với da thường gây phản ứng ngứa rát.
Những món ngon từ cây dọc mùng
Trong đời sống hằng ngày, dọc mùng được chế biến làm các món ăn như canh, bún, nộm, luộc thậm chí muối như dưa chua. Dọc mùng hợp với các món giàu chất đạm. Ngày hè, dọc mùng được nhiều người ưa thích vừa thanh mát, giải độc, ngon miệng.
- Loại rau nấu canh chua, lẩu chua: Bẹ lá được tước vỏ, xắt mỏng hay xắt khúc để nấu canh chua hay lẩu chua. Món canh chua nấu với bẹ lá là món ăn truyền thống của người dân miền Nam.
Bẹ lá được bóc vỏ, xắt mỏng, ngâm nước lạnh cho tan chất gây ngứa rồi trụn trong nước sôi và vắt bỏ nước để ráo. Sau đó người ta tiến thành trộn hỗn hợp trên với các loại gia vị, rau thơm và rắc lạc rang là có thể thưởng thức được.
- Cách làm dọc mùng muối dưa chua: Bẹ lá được tước vỏ, xắt mỏng hay xắt khúc dùng để muối dưa chua, chỉ sau 4-5 ngày sẽ có món ăn dân giã nhưng lạ miệng, hấp dẫn. Món dưa chua này rất phổ biến ở miền Trung và miền Bắc.
- Cách làm dọc mùng xào thơm ngon: Bẹ lá được tước vỏ, xắt mỏng hay xắt khúc dùng để luộc hoặc xào với thịt, trứng, hải sản, lòng gia cầm… Món này ăn rất lạ miệng và rất được ưa chuộng ở miền Bắc và miền Trung.
Trúc Chi (t/h)