Lợi ích tuyệt vời của rau cải cúc đối với sức khỏe
Cải cúc còn gọi là rau cúc, cúc tần ô, đồng hao… Tên khoa học Chrysanthemum coronarium L. thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
Cây cải cúc thân mọc thẳng, nhẵn, cao từ 0,5-0,8m, mang nhiều cành. Lá ôm vào thân, phiến xẻ lông chim với những thùy hình mác, nhưng ở đầu thì nở rộng, có răng cưa. Cụm hoa hình đầu màu vàng, mọc ở đầu cành, lá bắc khô xác ở đầu.
Trong Đông y, rau cải cúc có vị cay, ngọt. Thành phần tinh dầu kết hợp với chất xơ hỗ trợ thải khí thừa trong dạ dày, kích thích tiêu hóa, tạo cảm giác thèm ăn, nhuận tràng.
Vị thanh, mát ngon của rau có tác dụng tốt đến thần kinh, trí não, thích hợp với người mắc bệnh tim mạch vành, huyết áp cao, phụ nữ sau sinh.
Theo Sức khỏe & Đời sống trong sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, cải cúc chủ yếu được trồng để lấy cây nấu canh ăn, thường những người ho lâu ngày nấu canh ăn để chữa ho. Ngoài công dụng chữa ho, rau cải cúc cung cấp cho ta một lượng hydrat carbon, protein, chất béo, và vitamin như đã nêu trên.
Ngăn ngừa bệnh Alzheimer
Rau cải cúc rất giàu vitamin, có thể làm dịu thần kinh và tiếp thêm sinh lực cho não, thúc đẩy giấc ngủ, ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Vì vậy, người cao tuổi có thể ăn nhiều rau cải cúc, có tác dụng tăng cường trí não, giảm xác suất sa sút trí tuệ do tuổi già. Đun sôi cải cúc với đường phèn để làm ẩm phổi và giảm ho.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Theo Lao Động rau cải cúc có mùi thơm đặc trưng, chứa nhiều chất thơm và dầu dễ bay hơi, sau khi ăn vào có thể thư giãn, điều hòa khí, còn có tác dụng tiêu hóa, khai vị, có tác dụng cải thiện chức năng tiêu hóa của con người, giảm đầy hơi chướng bụng, khó tiêu.
Tăng khả năng miễn dịch
Loại rau này hầu như chợ nào cũng bán và có giá rất rẻ nhưng các chất dinh dưỡng có trong hoa cúc có tác động nhất định đến khả năng miễn dịch của con người.
Cải thiện chức năng tim
Cải cúc cũng là một loại thực phẩm lành mạnh có tác dụng tăng cường tim mạch, chứa nhiều nguyên tố vi lượng và hoạt chất, có thể nuôi dưỡng cơ tim và cải thiện chức năng co bóp của tim. Ăn thường xuyên có thể ngăn ngừa sự suy giảm chức năng của bệnh tim và giảm một loạt các bệnh tim. Nó có lợi rất nhiều để duy trì sức khoẻ của trái tim con người.
Một số bài thuốc dân gian chữa bệnh từ cải cúc
Chữa ho cho trẻ em
Lá cải cúc 6g thái nhỏ, cho vào chén con, thêm ít đường trắng, cho vào nồi cơm hấp cho tiết nước ra. Chia làm nhiều lần uống trong ngày.
Chữa ăn uống không tiêu
Rau cải cúc 500g, thịt lợn nạc 100g, gừng tươi 3 lát. Thịt rửa sạch, thái vừa ăn, rau rửa sạch thái nhỏ, nấu cùng thịt lợn, nêm nếm gia vị vừa ăn, gần chín cho thêm chút gừng đập dập. Ăn khi còn nóng.
Trị nhức đầu kinh niên
Làm thuốc, cải cúc chữa đau mắt, nhức đầu kinh niên, thổ huyết. Mỗi ngày uống 10 – 16g dưới dạng thuốc pha hay thuốc sắc.
Giải cảm hiệu quả
Bạn nên chuẩn bị 150g cải cúc tươi, rửa sạch để ráo nước, sau đó cho vào tô lớn đổ trực tiếp cháo đang sôi lên trên để 5 - 10 phút cho rau tái và đỡ nóng rồi trộn đều lên và thưởng thức, ngày ăn 2 -3 lần.
Chữa tiêu chảy
200g rau cải cúc tươi nấu canh ăn hàng ngày, liên tục trong 3 - 5 ngày có tác dụng làm ấm tỳ vị. Rất hiệu quả trong điều trị đi ngoài phân lỏng hay tiêu chảy liên tục.
Trị hoa mắt
Cá diếc 0,5 kg rửa sạch, đánh vảy, bóp rượu cho đỡ tanh sau đó rán vàng. Thêm gừng, nước nấu nhỏ lửa cho chín rồi cho 200g cải cúc tươi rửa sạch vào nấu đến khi sôi, nêm nếm gia vị vừa ăn. Thực hiện liệu trình này trong 10 ngày liên tiếp.
Món ngon từ rau cải cúc
Cách làm món cải cúc chiên giòn với thành phẩm giòn rụm, thơm phức, lạ miệng.
Nguyên liệu
- Cải cúc: 220g
- Tôm: 100g
- Nước lọc: 200ml
- Bột chiên giòn: 100g
- Bột mỳ: 50g
- Hạt nêm: 1 thìa cà phê
- Giấm trắng: 1 thìa phở
- Trứng gà: 1 quả
Cách làm
- Đầu tiên cải cúc đã nhặt sạch, thái khúc 2cm, tôm tươi đã bóc vỏ. Cho rau, tôm vào hỗn hợp bột đã khuấy đều, bao gồm: nước lọc, bột chiên giòn, bột mỳ, hạt nêm hữu cơ, giấm trắng, trứng gà.
Lưu ý khuấy tan đều hỗn hợp sau đó mới lần lượt cho rau, tôm vào. Trộn đều.
Giòn rụm, thơm nức
- Chảo dầu đã nóng già, cho ít một vào chiên ngập dầu. Vớt ra đĩa có lót giấy thấm dầu và thưởng thức với tương ớt.
Trúc Chi (t/h)