KS Nguyễn Xuân Hải, Tổng hội Xây dựng Việt Nam chia sẻ như vậy với phóng viên.
Thách đấu chỉ để cho vui
TS Trần Đình Bá vừa nâng mức thách đấu lên đến 50 triệu USD đối với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông về cái được gọi là "đường sắt đồ cổ", ở góc độ khoa học, ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?
Lời thách đấu 50 triệu đô chỉ là chuyện hài, đưa ra cho vui, để dư luận chú ý đến vấn đề đó thôi. Chứ ông Trần Đình Bá chắc hẳn không có số tiền đó để trả. Ông Nguyễn Ngọc Đông cũng không thể lấy tiền nhà nước để trả cho ông Trần Đình Bá được. Chuyện của dân của nước mà đem ra để thách đố giống như canh bạc thì nó không hay lắm.
Thế còn câu chuyện đường sắt đồ cổ, quan điểm của ông thế nào?
Cách đây gần 2 năm, Bộ GTVT đã đưa ra phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam với tốc độ 300 - 400km/giờ với kinh phí khoảng 55 tỷ USD. Nhiều nhà khoa học đã phân tích đất nước còn bao nhiêu việc cần chi tiêu, không thể chấp nhận bỏ một nửa GDP để làm đường sắt. Vả lại, cần đến tốc độ cao như thế để làm gì?! May mắn là phương án đó đã không được Quốc hội chấp nhận. Còn đúng là đường sắt chúng ta đang sử dụng đã lạc hậu lắm rồi. Đừng nói đến chuyện có thể cải tạo nó.
Theo quan điểm của TS Trần Đình Bá, đường sắt khổ 1m chúng ta đang sử dụng là loại đường sắt cổ hiếm hoi còn sót lại ở một số nước. Nếu định nâng cấp cho nó đạt tốc độ 120km/giờ là không thể được, ông có đồng tình điều này?
Cái này tôi rất đồng tình với ông Bá. Đường sắt khổ 1m là loại đường sắt rất cũ rồi, đa số các nước khác người ta đã loại bỏ đường sắt khổ hẹp này để nâng cấp lên đường sắt 1,435m, 1,520m và 1,620m. Có thể nói đường sắt 1m không thể có tốc độ 120km/h. Nếu cố để đạt tốc độ này thì sẽ rất nguy hiểm.
Vậy rõ ràng trong cuộc thách đấu này, Bộ GTVT ở thế yếu?
Tôi cho rằng không nên gọi đó là cuộc thách đấu là bởi cái cuối cùng phải tìm đến là giải pháp nào để cải thiện giao thông đường sắt. Bộ GTVT không thể lấy tiền của nhà nước để cải tiến này nọ mà không đem lại hiệu quả.
KS Nguyễn Xuân Hải, Tổng hội Xây dựng Việt Nam. |
Phải nói để họ giật mình
Trong câu chuyện này, ông đứng về phía nào?
Tôi nghĩ mỗi bên đều có cái lý của mình, tôi không đứng về phía nào cả. Nhưng việc nói ra, phản ứng gay gắt như ông Trần Đình Bá là cần thiết để các cơ quan chức năng phải để ý, phải lắng nghe, phải giật mình. Còn trong chuyện này, tôi thấy phương án của Bộ GTVT là sửa chữa áo cũ để dùng tạm. Sau đó mới tiến tới làm cái áo mới đẹp hơn, và dùng song song hai cái áo này. Còn phương án của ông Bá thì giống như dùng vải của áo cũ để may áo mới, thiếu vải áo cũ thì lấy vải mới thêm vào, trong khi đang sửa áo thì tạm cởi trần.
Nghĩa là theo phương pháp của ông Bá là tận dụng đường sắt cũ để làm mới hoàn toàn đường sắt khổ 1,435m. Trong thời gian làm đường đó thì giao thông đường sắt sẽ bị trì hoãn?
Đúng thế. Mà việc cải tạo phải tính đến phát triển trong tương lai chứ không thể làm kiểu "cò con" được. Phương án mà Bộ GTVT tính đến là phát triển đường sắt khổ đôi (chiều đi và chiều về) sẽ phải tính đến. Hạ tầng đường sắt hiện tại không đủ để phát triển đường sắt khổ đôi. Vì thế, bỏ tiền ra để cải tạo lại đường sắt cũ là không hợp lý. Tiền làm đường là tiền của dân, vì thế phải tính toán rất kỹ. Nêu vấn đề phải đến nơi đến chốn, có luận cứ khoa học chứ không tung ra như một sáng kiến cá nhân.
Thế còn quan niệm đường sắt khổ 1m hiện nay là rác công nghệ, là hiểm họa cần phải loại bỏ?
Tôi nghĩ vấn đề đó rất đúng. Tận dụng đường sắt đang có, đẩy nhanh tốc độ cao hơn một chút thì được chứ nếu bỏ rất nhiều tiền, hàng tỷ USD ra để nâng cấp được sắt hiện nay là rất sai lầm. Đường sắt khổ 1m thì tốc độ không thể cao được. Vì nước mình còn nghèo nên cố duy trì, cố để tận dụng thôi. Chứ còn đặt vấn đề đẩy lên tốc độ cao đến hơn 100km là không ổn. Sau này nếu xây dựng xong đường sắt khổ đôi thì sẽ phải bỏ đường sắt cũ này.
Ông Trần Đình Bá có nói ông lên tiếng là vì ông lo lắng tốn kém tiền của dân mà không hiệu quả. Và ở góc độ khoa học mà nói, việc nâng cấp đường sắt 1m lên đến tốc độ 120km/giờ như ông nói là thảm họa?
Đúng thế. Đường sắt khổ hẹp mà lại có nhiều đường cua, nhiều đường giao thông cắt ngang, nhà dân sát đường ray... mà để tốc độ cao như thế thì rất nguy hiểm. Nhất là tiền để làm những việc đó là tiền của dân cả.
Tàu chậm mà đã nhiều tai nạn rồi!
Như những gì ông vừa phân tích, rõ ràng lời thách đấu kia của ông Trần Đình Bá có thể nói là khá tự tin ở góc độ khoa học?
Đúng thế, ông Trần Đình Bá có lý của mình khi đưa ra lời thách đấu đó. Tàu chậm như hiện nay mà đã có tai nạn rồi, cùng hạ tầng ấy mà tăng tốc độ lên cao như vậy thì không hiểu sẽ như thế nào. Tuy nhiên, như tôi nói, không thể đưa chuyện của nhà nước ra mà thách đố cá nhân được.
Một nhà khoa học lên tiếng mạnh mẽ như vậy hẳn là cũng sẽ có tác dụng nào đó đối với ngành giao thông?
Bất cứ một sự việc nào mà có sự phản đối thì sẽ phải xem xét lại sự việc đó như thế nào, phải nghiên cứu kỹ ý kiến đó và thành khẩn tiếp thu.
Ông nhìn nhận thế nào về tiếng nói của các nhà khoa học không được tiếp thu nhiều trong các sự việc tương tự?
Đúng là có chuyện như thế nhưng cũng có rất nhiều vấn đề khó nói.
Theo ông thì kết thúc nào là "đẹp" nhất trong câu chuyện thách đấu này?
Bộ GTVT phải công khai phương án xây dựng cải tạo như thế nào, tiền bao nhiêu để người dân, các nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến. Làm được sắt khổ 1,435m như thế nào, bao nhiêu tiền. Nếu phù hợp thì mọi người sẽ ủng hộ. Thông tin không thể để ỉm đi, bàn cái gì không ai biết, trong khi tiền tiêu là tiền của dân. Bộ cứ công khai hết tất cả các phương án ra, bản thân ông Trần Đình Bá sẽ phải suy nghĩ xem mình có nên tiếp tục có ý kiến nữa hay không. Vì suy cho cùng, ai cũng vì quyền lợi chung mà nói thôi.
Xin cảm ơn ông!
TS Trần Đình Bá vừa có bức thư thứ 2 gửi Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông với lời thách đấu lên đến 50 triệu USD. Theo đó, ông Bá nói rõ: Nếu ông Đông dám dũng cảm ngồi lên tàu để chạy thử nghiệm 120km/giờ, tốc độ trung bình 80 - 90km/giờ để hành trình Bắc Nam đạt 23 - 24 giờ như tuyên bố mới nhất thì ông Bá sẽ trả cho ông Đông 50 triệu USD. Ngược lại, nếu chạy thử nghiệm mà không đạt tốc độ trung bình 80 - 90km/h và xảy ra lật tàu thì ông Đông sẽ phải trả cho ông Bá 50 triệu USD. |