Quan Vũ (? - 220), tự Vân Trường, quê ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, miền bắc của Trung Quốc ngày nay. Ông cao chín thước, mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt, là vị dũng tướng tiếng tăm lừng lẫy cuối thời Đông Hán đầu thời Tam quốc. Từ trẻ theo phò trợ Lưu Bị, một lòng trung thành, xả thân vì chúa, ông cũng là vị dũng tướng mà Lưu Bị hết lòng tin cậy, phong làm Tiền tướng quân.
Với sức khỏe hơn người, Quan Vũ dùng thanh Thanh long yển nguyệt đao nặng hơn 40 kg. Trong suốt cuộc đời chinh chiến, ông lập nhiều chiến công hiển hách, tiêu diệt khởi nghĩa Khăn Vàng, chém Hoa Hùng, đại tướng của Đổng Trác, chém Nhan Lương, Văn Xú, 2 tướng tài của Viên Thiệu, vượt 5 ải, chém 6 tướng của Tào Tháo, chiếm quận Trường Sa, thu phục được Hoàng Trung, bức hàng Vu Cấm, chém Bàng Đức.
Mã Siêu (176 - 222), tự Mạnh Khởi, quê ở Hưng Bình, huyện Thiểm Tây, Trung Quốc hiện nay. Là danh tướng của Thục Hán thời Tam quốc. Mã Siêu được Lưu Bị tin cẩn giao nhiều trọng trách quan trọng đồng thời tấn phong cho ông làm Tả tướng quân.
La Quán Trung mô tả và ước lệ hóa Mã Siêu trở thành một vẻ đẹp gần như tuyệt mỹ của một trang nam tử trẻ tuổi. “Mã Siêu là một viên tướng trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, mình hổ tay vượn, bụng beo lưng sói, tay cầm một ngọn giáo dài, mình cưỡi con ngựa đẹp”.
Mãnh hổ Mã Siêu của đội quân Thiết kỵ Tây Lương, nổi tiếng bởi lối đánh thần tốc, nhanh gọn. Vì đầu quân về với Lưu Bị khá trễ nên không được La Quán Trung miêu tả nhiều. Nhưng thực lực của Mã Siêu là không thể xem thường khi từng cầm quân đánh cho Tào Tháo chạy toán loạn.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, Lưu Bị sau khi lên ngôi vào năm 219 đã lấy hiệu là Hán Trung Vương, sắc phong 5 vị dũng tướng - gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung - là Ngũ hổ thượng tướng hay Ngũ hổ tướng. Tuy nhiên, Quan Vũ từng tỏ thái độ không hài lòng với Mã Siêu.
Theo sử liệu, khi Mã Siêu chấp nhận đi theo Lưu Bị, vị quân chủ này đã hậu đãi Mã Siêu khiến cho một số tướng tá bất bình. Quan Vũ lúc này đang ở Kinh Châu nghe tin Mã Siêu theo hàng, vì trước đây không quen biết Mã Siêu nên đã tỏ ra bất bình và viết thư cho Gia Cát Lượng hỏi rằng: "Siêu là bậc nhân tài nào, có thể so được với ai".
Gia Cát Lượng biết rõ Quan Vũ bề ngoài đòi so tài với Mã Siêu nhưng thực tế thể hiện sự bất mãn việc Mã Siêu vừa mới tới nhưng đã được trọng dụng. Để bảo đảm đoàn kết nội bộ, động viên Quan Vũ an tâm trấn thủ Kinh Châu, ông đã viết một bức thư phúc đáp với nội dung không hạ thấp Mã Siêu nhưng lại ca ngợi Quan Vũ.
Trong thư có đoạn: “Mạnh Khởi kiêm tài văn võ, hùng liệt hơn người, là hào kiệt một đời, ví như Kình, Bành, xứng đáng tranh tài cao thấp với Dực Đức (Trương Phi), chẳng thể so sánh được với ông râu dài tuyệt luân siêu quần vậy".
Quan Vũ xem xong thư vô cùng đắc ý, mang thư khoe với nhiều người.
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, tình tiết này được diễn tả hoàn toàn giống sử sách, chỉ có khác biệt nhỏ là Quan Vũ sai Quan Bình đến Thành Đô bẩm lại với Lưu Bị rằng ông nghe danh Mã Mạnh Khởi võ nghệ tuyệt luân nên muốn vào Xuyên để đọ sức cao thấp.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định, bên cạnh khí chất vũ dũng phi phàm, Quan Vũ có nhược điểm vì tính kiêu ngạo, không chịu dưới người khác, đây chính là nguyên nhân Quan Vũ bất mãn việc Mã Siêu vừa mới tới nhưng đã được trọng dụng.
Quốc Tiệp (t/h)