“Đem con bỏ chợ”
Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) được triển khai từ tháng 1/2013 với tổng số vốn phê duyệt là 87,6 triệu USD (gồm vốn viện trợ không hoàn lại của tổ chức Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu 84,6 triệu USD và vốn đối ứng trong nước là 3 triệu USD). Một chương trình tưởng chừng là lý tưởng nên được triển khai rầm rộ trên cả nước, nhưng rất nhiều trường sau một thời gian thí điểm đã phải kêu cứu, xin không tiếp tục áp dụng.
Tháng 10/2016, bộ GD&ĐT đã có báo cáo ngắn gọn về một số thông tin liên quan đến VNEN. Theo đó, Bộ nhìn nhận khó khăn của dự án là thời gian triển khai ngắn, phạm vi triển khai rộng khắp các tỉnh, thành cả nước với trình độ quản lý và tổ chức không đồng đều ở các cấp khác nhau; VNEN triển khai đổi mới đồng bộ trong khi điều kiện áp dụng tại một số trường học ở Việt Nam chưa chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ, dẫn tới hiệu quả chưa như mong muốn; việc áp dụng mô hình chưa linh hoạt và phù hợp với điều kiện của một số địa phương...
Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VI, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc sở GD&ĐT đã xin lỗi về việc chủ trì tham mưu mô hình trường học mới (VNEN) trên địa bàn tỉnh một cách nóng vội.
Chia sẻ với PV, một giáo viên tại Hải Phòng cho hay: “Khi được phân công dạy lớp VNEN, tôi phải mất nhiều tháng để xây dựng giáo án cho phù hợp; đồng thời vẫn phải duy trì giáo án cũ cho các lớp không học VNEN. Về phía học sinh, lứa tuổi tiểu học chưa đủ ý thức để chủ động tiếp cận kiến thức như VNEN mong muốn, nên nhiều em đã bị tụt hậu, hổng kiến thức khá nhiều. Thầy cô đành áp dụng lại cách học cũ để giúp học sinh”.
Nhiều phụ huynh băn khoăn, ngay trong ngành cũng chưa tạo được sự đồng thuận về việc triển khai mô hình VNEN, dẫn đến hiệu quả đạt được không như mong muốn và cho rằng, đây là cách làm theo kiểu “đem con bỏ chợ”. Giáo dục thì không thể làm theo cách đó, sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ.
Tiến thoái lưỡng nan
Còn nhớ, trước thềm năm học vừa qua, sở GD&ĐT Hà Tĩnh bị Chủ tịch UBND tỉnh kiểm điểm vì việc nhân rộng trường học VNEN. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc triển khai đại trà mô hình trường học mới VNEN khi chưa đánh giá, tổng kết là thiếu thận trọng, gây ra nhiều ý kiến trong dư luận. Do vậy, Hà Tĩnh dừng nhân rộng mô hình trường học VNEN.
Không chỉ có vậy, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc sở GD&ĐT Hải Phòng cũng từng cho biết: “Sở sẽ có kiến nghị bộ GD&ĐT xin ý kiến về việc chọn trường hoặc chọn theo khối để thực hiện tiếp chương trình VNEN; hoặc nếu không đủ điều kiện thì cho dừng chương trình” .
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Văn Nghìn, Chánh văn phòng sở GD&ĐT Hải Dương, cho biết: “Hiện, trên địa bàn tỉnh Hải Dương mô hình VNEN đang được áp dụng nhưng không thực sự hiệu quả. Đối với bậc trung học cơ sở, chỉ có 1 trường ở thị xã Chí Linh áp dụng. Còn đối với bậc tiểu học, những trường áp dụng không thực sự mặn mà và có nhiều bất cập”. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc có nên dừng dự án này, ông Lương nói: “Hiện, trên văn bản chúng tôi vẫn chưa có chủ trương dừng việc này, chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến”.
Nhà giáo Lê Văn Vỵ, nguyên Giám đốc trung tâm GDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nêu ý kiến: “Tôi nghĩ, lãnh đạo bộ GD&ĐT nên xuống các địa phương và lắng nghe xem giáo viên nói gì. Còn giáo viên cũng nên chia sẻ thẳng thắn những gì nhận thấy về mô hình này vì giáo viên là người trực tiếp triển khai; hay hoặc dở, họ là người nắm rõ hơn ai hết. Còn như hiện nay, tiếp tục hay dừng lại, nếu tiếp tục thì tiếp tục thế nào? Bộ GD&ĐT nói nên tiếp thu những cái hay của mô hình, trong khi mỗi địa phương triển khai một kiểu. Nếu tiếp tục thực hiện, tôi nghĩ cần có sự quyết tâm đồng bộ từ bộ GD&ĐT cho đến các trường. Còn nếu không thì nên dừng lại để tránh lãng phí”.
Liệu có phù hợp với đa số trẻ em Việt Nam? VNEN xuất phát từ mô hình trường học mới được thực hiện tại Colombia; được tổ chức và chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh. Cơ sở lý thuyết của mô hình là “Thuyết kiến tạo”, “mỗi học sinh tự hoạt động làm ra sản phẩm học tập bằng cách vận dụng kiến thức đã có để giải quyết tình huống mới nảy sinh và sắp xếp kiến thức mới nhận được vào cấu trúc các kiến thức hiện có của mình; lúc đó kiến thức mới được gia tăng, có giá trị ứng dụng thực tiễn. Nguyên lý, lý thuyết hiện đại và hấp dẫn như vậy nhưng khi đi vào thực tiễn giáo dục Việt Nam, VNEN không đạt được như kỳ vọng, thậm chí trở thành nỗi sợ hãi của học sinh và phụ huynh. |
Công Luân