Trạng Lường Lương Thế Vinh từ xưa đã được các danh sĩ đề cao như bậc Trạng nguyên tài danh hàng đầu. Ông không những hay chữ giỏi Nho học mà còn giỏi cả Toán học nên mới có biệt hiệu Trạng Lường (Lường là tính toán-PV). Nhưng ông cũng còn một cái thú đam mê khá sâu sắc nữa là hát chèo.
Trong cuốn sách Trạng Lường Lương Thế Vinh của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam cho biết: Đêm đêm, hễ làng nào trong vùng có trống chèo nổi lên là y như có mặt Lương Thế Vinh. Có lần do quá ham thích, Lương Thế Vinh đã bỏ nhà đi theo một phường chèo diễn hay. Cậu say sưa học thêm cách sử dụng các nhạc cụ dân tộc, biết đánh trống chèo, lại thuộc nhiều làn điệu dân ca, làn điệu múa hát chèo. Bố cậu đã phải đi tìm, xin cho cậu về tiếp tục đi học.
Từ tính ham mê hát chèo của Lương Thế Vinh đã đưa đến mối tình đầu có kết thúc buồn của ông. Cũng trong cuốn: "Những mối tình nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử Việt Nam" kể rằng: Năm 20 tuổi, hội xuân làng Si (ở gần làng Lương Thế Vinh) có gánh chèo nổi tiếng với cô đào chính của gánh chèo là người đang rất được nhân dân trong vùng mến mộ về diễn. Lương Thế Vinh đến được đình làng Si thì đã khá muộn nhưng buổi diễn vẫn chưa bắt đầu vì tay chơi đàn nhị của gánh hát đột nhiên bị ốm chưa có người thay thế. Nghe vậy, Lương Thế Vinh bèn chen qua đám đông vào xin chơi thay cho tay đàn. Không có cách nào khác, gánh hát bèn chấp nhận. Nhưng chỉ một lúc sau, cả gánh hát lẫn người xem đã không còn phải băn khoăn gì về tay đàn vì tiếng đàn rất thành thục và đệm cho đào nương rất ăn khớp.
Trên chiếu chèo, cô đào dường như cũng diễn hay hơn bình thường vì cô biết người đang đệm đàn nhị cho mình diễn là anh học trò nổi tiếng mà cả vùng cả tỉnh gọi là thần đồng. Tâm trạng phấn khởi, bất ngờ cô đổi sang điệu sử xuân, đôi mắt nhìn về phía Lương Thế Vinh thắm thiết: "Vâng ý chàng, thiếp xin thưa lại, chuyên cần tần tảo sớm khuya. Việc tề gia là phận nữ nhi...".
Bên cây đàn nhị, Lương Thế Vinh cũng vừa đàn vừa hướng về đào nương trẻ cùng trang lứa mình với ánh mắt xao xuyến lạ lùng. Bỗng nhiên đào nương quay một vòng rồi chuyển sang hát điệu Chức cẩm hồi văn: "Thiếp xin chàng đèn sách văn chương, dầu hao thiếp rót, bấc non thiếp ngắt, ngọn đèn tàn thiếp khêu...". Cô đào trẻ sau buổi diễn cũng chủ động gặp Thế Vinh để nói lời cảm tạ. Hai tâm hồn như đã đồng điệu. Cô đào đã đem lòng yêu Thế Vinh mà không dám nói ra sợ ảnh hưởng đến việc học hành của chàng. Bẵng đi mấy năm sau không gặp nhau nhưng Thế Vinh vẫn đêm ngày nhớ cô đào và mối tình sét đánh khôn nguôi. Dù vậy, nỗi nhớ chỉ là nỗi nhớ vì chưa ai nói ra và cũng chẳng biết ở đâu để tìm.
Năm 1463, Lương Thế Vinh đi thi, đỗ Trạng nguyên dưới triều Lê Thánh Tông. Dù vẫn nhớ người cũ nhưng chẳng có tin tức gì. Lúc này, bố mẹ Thế Vinh cũng muốn con yên bề gia thất nên giục chàng lập gia đình. Thế Vinh đã cưới con gái của một thầy học.
Trớ trêu thay, ngày ông vinh quy về làng, dân làng mở hội chúc mừng, cô đào năm nào được mời đến hát. Đêm ấy, gặp lại người cũ, nàng đã hát rất hay nhưng giọng hát có gì đó sầu thảm khiến nhiều người phải khóc. Sau buổi diễn, không ai thấy nàng đâu nữa. Sáng sau người ta mới biết rằng nàng đã tự tử và để lại một bài thơ tuyệt mệnh.
Thì ra, biết Thế Vinh đã lấy vợ, tủi phận mình nên nàng đã quyên sinh để vĩnh viễn mang theo mối tình đầu trong sáng. Có nhiều người ác miệng đã đổ ngay tiếng xấu ấy cho Trạng Lường. Vì không lấy được nàng đào nên Trạng Lường đã sát hại.
Luật nay: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra
Một cái kết không có hậu cho cô đào. Liệu cái chết ấy có gì liên quan đến Trạng Lường Lương Thế Vinh hay không? Có phải vì không có nàng mà ông đã ra tay hạ sát?
Chiếu theo các quy định của pháp luật thời nay thì vụ án xẽ được giải quyết như thế nào? Pháp luật ngày nay rất công minh và rõ ràng khi khép tội cho một ai đó. Ngay trong Chương II- Những nguyên tắc cơ bản Điều 9 trong Bộ Luật Hình sự năm 2003 có ghi: Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời cũng tại chương này Điều 10 quy định: Xác định sự thật của vụ án. Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội...
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng.
Như vậy, ngay trong chương đầu của BLHS cũng đã quy định rất rõ ràng về cách giải quyết một vụ án như thế nào. Cái chết của cô đào hát kia không thể vu tội cho Trạng Lường được.
Tường Linh