Năm học 2024-2025: Những thách thức cho cả người dạy và người học

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 5, 05/09/2024 06:41

Hoàn thành Chương trình GDPT 2018 là nhiệm vụ trong tâm của năm học này, tuy nhiên, nhiều vẫn đề vẫn còn dang dở chờ ngành giáo dục cần tập trung giải quyết.

Với chủ đề "Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo", năm học mới 2024-2025 đã sẵn sàng với nhiều kỳ vọng của toàn xã hội đặt ra cho ngành giáo dục và đào tạo về một năm đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng giáo dục.

Hoàn thành chu kỳ triển khai Chương trình GDPT 2018 được xem là vấn đề lớn phải thực hiện trong năm học này. Để đạt được mục tiêu đề ra cho ngành giáo dục cần sớm đưa ra hướng đi cho giáo viên trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh, đặc biệt ở khối cuối cấp; đồng thời giải quyết điễm nghẽn thiếu giáo viên.

Lo lắng trước kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của Chương trình mới

Khác với Chương trình GDPT 2006, chương trình mới chuyển đổi từ kiểm tra kiến thức, kỹ năng sang đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh. Việc chuyển đổi này vẫn là cản trở lớn đối với giáo viên và học sinh.

Trao đổi với Người Đưa Tin, cô Đinh Bích Hảo – giáo viên Trường phổ thông thực hành sư phạm Tràng An, Ninh Bình bày tỏ bước vào năm học mới với nhiều băn khoăn, lo lắng.

"Tôi phụ trách dạy môn Toán cho học sinh khối 12, vì vậy càng có nhiều áp lực giảng dạy để giúp các em vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên của chương trình mới. Nhiều thay đổi trong nội dung kiểm tra, đánh giá khiến các giáo viên đang phải tìm các phương pháp phù hợp nhất để trang bị kiến thức cho học sinh", cô Hảo cho hay.

Vị giáo viên cho biết, kinh nghiệm là sẵn có nhưng với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ là lần đầu đối với cả thầy và trò, sự bỡ ngỡ, lo lắng là khó tránh khỏi.

Năm học 2024-2025: Những thách thức cho cả người dạy và người học- Ảnh 1.

Học sinh cả nước phấn khởi bước vào năm học 2024-2025 (Ảnh: Trọng Tùng).

Vừa mừng, vừa lo là tâm trạng của thầy giáo Phạm Văn Trịnh – Giáo viên Công nghệ, Trường THPT Gia Viễn B, Ninh Bình khi Công nghệ sẽ lần đầu tiên được thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

"Bộ môn mình giảng dạy được là một trong 12 môn tự chọn là điều tôi cảm thấy vui. Nhưng cùng với đó là những câu hỏi về Cấu trúc bài thi thế nào, cách thức ra đề, kiến thức được hỏi,…Nếu thầy cô không nắm chắc điều này thì khó lòng học sinh có được kết quả tốt nhất", thầy Trịnh chia sẻ.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, việc có bao nhiêu học sinh sẽ lựa chọn môn Công nghệ cũng là vẫn đề mà vị giáo viên này quan tâm.

"Trên thực tế, môn Công nghệ hiện nay chưa có trường đại học nào sử dụng để xét tuyển đại học. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn môn thi của thí sinh, bởi phần lớn các em đi thi vẫn phục vụ cả 2 mục đích là tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học", thầy giáo Phạm Văn Trịnh cho hay.

Năm học 2024-2025: Những thách thức cho cả người dạy và người học- Ảnh 2.

Kiểm tra, đánh giá là nội dung có nhiều thay đổi trong Chương trình GDPT 2018 (Ảnh: Hữu Thắng).

Thiếu giáo viên – thiếu hụt nguồn lực

Với tốc độ dân số tăng nhanh ở các thành phố lớn, kèm theo sự thay đổi về Chương trình GDPT từ dạy đơn môn sang tích hợp khiến tình trạng thiếu giáo viên trên cả nước hiện nay đang diễn ra cục bộ ở một số môn và một số địa phương.

Theo Báo cáo tổng kết năm học 2023-2024 của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông, tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022 – 2023.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đánh giá tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật), điều này gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học. Cụ thể, tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.

Đồng thời, cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỉ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định của Bộ GD&ĐT.

Năm học 2024-2025: Những thách thức cho cả người dạy và người học- Ảnh 3.

Tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân cả nước (Nguồn: Bộ GD&ĐT).

Tình trạng này diễn ra phần lớn ở các vùng sâu, vùng xa và các thành phố lớn trên cả nước. Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên bị động thiếu giáo viên ảnh hưởng không nhỏ cho việc chuẩn bị cho năm học mới.

Đại diện tỉnh Điện Biên cho biết năm học 2023-2024 tỉnh còn thiếu khá nhiều giáo viên so với định mức quy định, đội ngũ giáo viên của còn có biến động khá lớn sau khi kết thúc năm học do giáo viên chuyển công tác về miền xuôi sau khi đủ điều kiện luân chuyển. Thiếu giáo viên gây áp lực khá lớn đối với các thầy cô do phải dạy tăng giờ, dạy liên cấp, liên trường.

Đối với Hà Nội, mặc dù năm học 2023-2024 đã xây dựng thêm 39 trường mầm non, phổ thông công lập mới và đưa vào hoạt động với quy mô 554 lớp học và 19.350 em. Nhưng việc thành lập thêm các trường cũng đồng nghĩa với tình trạng thiếu biên chế giáo viên.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Xá, Thanh Trì, Hà Nội bày tỏ thiếu giáo viên, học sinh đông gây nhiều áp lực lên thầy cô.

"Việc quá tải sĩ số khiến giáo viên khó khăn trong việc quản lý và giảng dạy, đặc biệt ở khối Tiểu học các em còn hiếu động và chưa chăm chú nghe giảng. Giáo viên giờ đây phải làm nhiều nhiệm vụ hơn khiến không có nhiều thời gian cho gia đình, chưa kể đến mong muốn nâng cao trình độ ngoài giờ lên lớp lại càng khó khăn", bà Mai cho hay.

Năm học 2024-2025: Những thách thức cho cả người dạy và người học- Ảnh 4.

Số lượng trường tiểu học, THCS và THPT trong cả nước (Nguồn: Bộ GD&ĐT).

Chờ hướng đi từ ngành giáo dục

Đối với vấn đề kiểm tra, đánh giá, mong muốn trả lời câu hỏi làm thế nào để có phương pháp đúng với tinh thần Chương trình GDPT 2018 không phải chỉ xảy ra ở số ít giáo viên. Theo TS. Đặng Xuân Cương - Chuyên gia giáo dục độc lập, nguyên Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện khoa học giáo dục Việt Nam đánh giá chương trình, phương pháp giảng dạy và đánh giá là 3 trụ cột chính của hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, đa phần giáo viên chỉ quan tâm làm thế nào để nâng cao cái kỹ năng giảng dạy. Còn cái hoạt động đánh giá lại được thực hiện theo các quy định sẵn có.

Đối với Chương trình GDPT 2018, nội dung chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa là học liệu. Nhưng đa số giáo viên vẫn đang thực hiện giống như chương trình cũ, đó là đã lựa chọn dùng sách giáo khoa nào thì chỉ dùng bộ sách đó, chính điều này khiến giáo viên tự làm khó mình.

Qua thử nghiệm, ông Cương nhận thấy việc giáo viên tiếp cận từ chương trình và sau đó sử dụng đa dạng các bộ sách giáo khoa, phát huy hiệu quả hơn vai trò của các học liệu.

Năm học 2024-2025: Những thách thức cho cả người dạy và người học- Ảnh 5.

TS. Đặng Xuân Cương - Chuyên gia giáo dục độc lập, nguyên Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện khoa học giáo dục Việt Nam.

Ngoài ra, với việc kiểm tra đánh giá, giáo viên vẫn còn tư duy theo theo lối cũ. Đề kiểm tra được thiết kế đơn thuần là tập hợp những câu hỏi, bài tập được cho là phù hợp để kiểm tra học sinh.

"Cách làm đó nó chưa được hiệu quả. Trên thực tế, khi cho giáo viên tiếp cận từ chương trình, phân tích yêu cầu cần đạt đối với từng khối lớp sau đó bắt đầu thiết kế các câu hỏi, bài tập, tình huống. Khi học sinh trả lời được câu hỏi là thầy cô có thể dễ dàng nhận biết ngay các em đã đạt được yêu cầu gì trong chương trình", ông Đặng Xuân Cương chia sẻ.

Ở đây chuyên gia chỉ ra rằng giáo viên cũng cần thay đổi tư duy chỉ quan tâm đến điểm số, bởi không phải học sinh nào có mức điểm bằng nhau thì năng lực cũng đều như nhau. Người thầy phải nhìn thấy rõ điểm yếu, điểm mạnh của từng em và từ đó quay trở lại phục vụ cho việc học của học sinh, cũng như việc giảng dạy của chính mình.

Qua nhiều lần tập huấn cho giáo viên, TS. Đặng Xuân Cương nhận thấy giáo viên vẫn đang rất "mù mờ", loay hoay tìm ra các thức làm thế nào để có thể đánh giá được năng lực của học sinh theo quy địnhtrong chương trình.

"Đây là vấn đề khó, chỉ khi nào mà Bộ GD&ĐT có thể đưa ra hướng dẫn tường minh và chi tiết, lúc đó giáo viên mới có thể dễ dàng thực hiện", chuyên gia bày tỏ.

Năm học 2024-2025: Những thách thức cho cả người dạy và người học- Ảnh 6.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Về việc giải quyết bài toán thừa - thiếu, giáo viên, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, khó "ăn khớp" giữa cung và cầu trước cơ chế đặt hàng.

"Hiện nay, chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm do Bộ GD&ĐT phân bổ và dựa trên cơ sở đăng ký của các địa phương. Nhưng địa phương đăng ký như thế nào là câu chuyện rất khó. Có địa phương không đăng ký, nhưng điều hành hệ thống Bộ GD&ĐT vẫn phải cho chỉ tiêu vì nhu cầu xã hội là có thực", ông Sơn phân tích.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn "khớp" nhu cầu của địa phương khớp với chỉ tiêu đặt ra, từ đó điều chỉnh và phân bố số lượng sẽ giảm được tình trạng thiếu giáo viên phần nào.

Riêng nguồn lực giảng dạy các môn tích hợp, lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, vì mới triển khai đào tạo được vài năm, đồng thời các trường không thể ồ ạt tuyển sinh mà phải căn cứ vào năng lực đào tạo như giảng viên, cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, để đưa ra chỉ tiêu phù hợp.

Ông Sơn cho rằng cần đào tạo dần dần để bù đắp vào số thiếu. Ngoài ra, còn có phương án khác có thể làm được ngay là thực hiện, tổ chức các chương trình bồi dưỡng, đội ngũ giáo viên dạy đơn môn để dạy tích hợp. Hoặc thầy cô có thể học văn bằng 2 với các môn mới.

"Tuy nhiên, việc này cũng gặp vướng mắc vì liên quan đến con người, các thầy cô cần thời gian để thay đổi thói quen, thích ứng với yêu cầu mới", ông Sơn chia sẻ và đồng thời nhấn mạnh, các giải pháp không thể giải quyết vấn đề ngay lập tức mà cần thời gian.

Trước thềm năm học mới, đánh giá về Chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Sau 4 năm học triển khai theo từng lớp, từng cấp học, năm học 2024-2025, quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối cùng của các cấp học. Đây cũng sẽ là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình GDPT".

Nhiệm vụ quan trọng của năm học này là chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp cuối cùng của các cấp học, chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành giáo dục để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.