Nhà nghiên cứu chất độc được cấp phép - TS Bernard Hsu - người không tham gia chữa trị cho bệnh nhân, đã mô tả lại tình trạng sức khỏe của nam thanh niên sau khi ăn đồ ăn thừa bị nhiễm độc và đăng trên Youtube ngày 16/2.
Thực phẩm mà bệnh nhân ăn gồm thịt lợn thăn, thịt gà và cơm. Anh là nhân viên phục vụ của một nhà hàng, sống ở miền Bắc New England, Mỹ.
Vị chuyên gia nhận định đây là tai nạn kinh hoàng đến từ thói quen rất phổ biến. Trường hợp này đã được các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ, lần đầu mô tả trong bài báo công bố vào tháng 3/2021 trên trên tạp chí y học New England.
Theo bác sĩ chuyên khoa Alexandra T Lucas, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, bệnh nhân phải vào phòng chăm sóc đặc biệt vì bị sốc, suy đa phủ tạng và phát ban. 20 tiếng đồng hồ sau khi ăn thức ăn thừa từ nhà hàng mình làm việc, anh nhập viện với tình trạng đau bụng lan tỏa, buồn nôn và nôn. Dịch nôn có màu trắng đục, nâu đỏ. Sau đó là cảm giác ớn lạnh, suy nhược toàn thân và đau cơ lan tỏa, đau ngực, khó thở, nhức đầu, cứng cổ và mờ mắt.
Thân nhiệt bệnh nhân lên đến 40,8 độ C, mạch 166 nhịp/phút, huyết áp 120/53 mm Hg, nhịp thở 28 lần/phút và độ bão hòa oxy 95%. Tình trạng phát ban dạng lưới lan tỏa xuất hiện trên mặt, ngực, bụng, lưng, cánh tay và chân, không có ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Nam thanh niên đã trải qua các xét nghiệm máu, nước tiểu và được chẩn đoán là bị nhiễm trùng do vi khuẩn có tên là Neisseria meningitidis, khiến máu của anh ấy đông lại và hỏng gan. Người bệnh cũng bị hoại tử da do "ban xuất huyết fulminans". Đây là biến chứng nghiêm trọng của nhiễm trùng huyết não mô cầu.
Các bác sĩ phát hiện ra rằng anh này mới tiêm một trong 3 mũi vắc-xin liên hợp viêm não mô cầu, không tiêm nhắc lại. Anh chỉ tiêm liều vắc-xin viêm não mô cầu nhóm huyết thanh B trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo nên tiêm 2-3 liều.
Bệnh nhân phải cắt cụt toàn bộ ngón tay và phần chân dưới đầu gối. May mắn sau đó sức khỏe của nam sinh hồi phục tốt. Một người bạn đã ăn cùng bữa ăn với nạn nhân và nôn mửa nhưng bệnh không trở nặng thêm, báo cáo nêu.
Theo các chuyên gia, thức ăn đã nấu chín chỉ an toàn 2 giờ sau khi nấu và dễ hư hỏng ở nhiệt độ từ 4-60 độ C. Sau khoảng thời gian này, bảo quản nóng hay lạnh không đúng cách đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.
Một số loại thực phẩm sau khi hâm nóng lại sẽ mất hết giá trị dinh dưỡng, mùi vị, màu sắc bị biến đổi, thậm chí trong nhiều trường hợp còn có thể sinh ra các chất độc hại dẫn đến ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, thức ăn thừa không phải là tuyệt đối không ăn lại được mà chỉ cần chú ý đến cách bảo quản.
Cách bảo quản thức ăn thừa:
- Sau khi thức ăn thừa đã nguội hãy dùng màng bảo quản thực phẩm hoặc hộp chuyên dụng đậy kín và cho ngay vào tủ lạnh. Thức ăn thừa khác nhau cần phải bỏ riêng để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn.
- Thực phẩm sau khi nấu chín cần đưa vào tủ lạnh cất giữ trong vòng 2 giờ, nếu để ở ngoài hơn 2 giờ không nên đưa vào cất giữ trong tủ lạnh. Không nên để thức ăn thừa quá lâu trong tủ lạnh, tốt nhất chỉ trong vòng 4-5 giờ. Trong trường hợp bình thường chỉ cần hâm nóng lại trong vòng vài phút có thể giết chết các mầm bệnh. Bên cạnh đó, có một số loại thực phẩm không nên hâm, nấu lại mà nên tiêu thụ ngay trong ngày như cơm, các thực phẩm từ nông sản, trứng đã bóc vỏ, hải sản, các sản phẩm từ sữa.
- Giữ nhiệt độ tủ lạnh dưới 4 độ C, tủ đông là dưới 0 độ C.
- Sử dụng thức ăn càng sớm càng tốt.
- Cảnh giác với thực phẩm dễ hư hỏng, nếu cảm thấy nghi ngờ thì nên vứt bỏ thức ăn thừa ngay vì vi khuẩn vẫn có thể phát triển ngay trong tủ lạnh, khiến thức ăn không còn ngon và gây hại cho sức khỏe.
- Bảo quản thức ăn thừa tránh xa các thực phẩm sống, thịt gia cần, hải sản để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra cần chú ý vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để giảm sự tăng trưởng của vi khuẩn và ngăn ngừa sự lây lan vi khuẩn từ thực phẩm này sang thực phẩm khác.
Minh Hoa (t/h)