Moscow đang có kế hoạch nới lỏng kiểm soát vốn đối với các khoản đầu tư nước ngoài mới, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Nga cho biết hôm 10/4, mở ra cánh cửa cho các công ty – bao gồm cả các công ty phương Tây – muốn quay trở lại thị trường Nga.
Không lâu sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, Điện Kremlin đã cấm các công ty nước ngoài rút tài sản khỏi đất nước, yêu cầu họ phải giữ tài sản trong các tài khoản đặc biệt.
Biện pháp này nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng tháo chạy vốn theo sau xung đột và việc áp dụng các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Hiện tại, Moscow đang tìm cách thu hút các nhà đầu tư trở lại thị trường Nga và thu hút thêm các nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, với lệnh kiểm soát vốn vẫn còn hiệu lực, cho đến nay vẫn chưa có nhiều bước đi thực tế được thực hiện.

Nga đã thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng tháo chạy vốn theo sau xung đột ở Ukraine và việc áp dụng các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: Aljazeera
"Khung để điều chỉnh dòng tiền mới chảy vào và đảm bảo khả năng rút tiền này cùng khoản thu nhập từ tiền này, đã được giải quyết", ông Aleksey Yakovlev, Trưởng phòng Chính sách Tài chính thuộc Bộ Tài chính Nga, cho biết.
Ông Yakovlev lưu ý rằng một sắc lệnh mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc nới lỏng kiểm soát vốn đối với các khoản đầu tư mới có thể được ban hành vào khoảng giữa năm nay.
Trong khi chờ đợi, các quy tắc hiện hành đối với các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại sẽ vẫn được áp dụng.
Kiểm soát vốn chỉ được áp dụng đối với các nhà đầu tư từ các quốc gia mà Điện Kremlin liệt vào danh sách các quốc gia "không thân thiện".
Hai quốc gia đầu tiên được liệt vào "danh sách đen" của Moscow là Mỹ và Cộng hòa Séc vào tháng 3/2022, chỉ vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Vào tháng 7/2022, Nga đã bổ sung Croatia, Đan Mạch, Hy Lạp, Slovakia và Slovenia vào danh sách.
Danh sách này sau đó tiếp tục được nối dài với tên của nhiều quốc gia từ châu Âu tới châu Á và Bắc Mỹ, tiểu biểu là Canada, Vương quốc Anh, Ukraine, Australia, Singapore, Nhật Bản, New Zealand, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Na Uy…
Hungary dưới thời Thủ tướng Viktor Orban mặc dù là nước thành viên EU-NATO được cho là có quan hệ thân thiện nhất với Nga nhưng vẫn không nằm ngoài "danh sách đen" kể trên.
Ngược lại, các nhà đầu tư từ các quốc gia được Nga coi là "thân thiện", chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ, không bị ảnh hưởng bởi biện pháp kiểm soát vốn này.
Ông Yakovlev tuyên bố rằng, các quy tắc mới – sau khi được ban hành – sẽ áp dụng cho tất cả các nhà đầu tư, bất kể quốc tịch của họ.
Minh Đức (Theo Reuters, Ukrainska Pravda)