Những ngày hè nắng nóng oi ả như thế này cơ thể rất dễ mất nước và thiếu khoáng. Bên cạnh ăn đủ chất, cần giảm thức ăn giàu năng lượng, nhất là dầu mỡ và đường bột vì tạo nhiều năng lượng làm cơ thể thấy nóng hơn. Thay vào đó, tăng cường ăn hoa quả và uống nhiều nước.
Chọn hoa quả tươi, thành phần có chứa nhiều vitamin C như: dưa hấu, cam, thanh long, táo, cà chua… Ngoài ăn trực tiếp, dùng các loại hoa quả này ép lấy nước uống hoặc làm sinh tố cũng rất tốt.
Năm nay dứa được mùa vì vậy đi đâu cũng dễ dàng mua được dứa và nước dứa “siêu ngon”. Không chỉ ngon-rẻ mà nước ép dứa còn được xem là thức uống cực kỳ bổ dưỡng cho mùa hè. Lý do là bởi dứa là loại quả hiếm có vô cùng nhiều công dụng như: Chống viêm, giảm cân, làm sạch ruột, điều chỉnh tuyến giáp, cân bằng điện giải, loại bỏ độc tố ra ngoài, hỗ trợ thúc đẩy hệ tiêu hóa, bảo vệ nướu và răng, cải thiện thị lực...
Ngoài dứa, chúng ta cũng có thể tự chế biến một số loại nước giải khát, nước mát ngay tại nhà giúp giải nhiệt, làm bớt nóng nảy, bứt rứt khi nhiệt độ cơ thể lên cao.
Dưới đây là một số loại nước giải khát, món ăn dễ làm giúp bạn giải nhiệt ngày hè:
- Nước ép rau má: Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má thường dùng để làm thuốc sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, mụn nhọt, rôm sảy.
Rau má có thể ăn sống, luộc hoặc nấu canh, xay lấy nước uống, trộn salad với thịt bò xào hay muối dưa. Tuy nhiên, ăn quá nhiều rau má có thể gây choáng. Người đang dùng thuốc hạ đường huyết, thuốc giảm đau hay hạ huyết áp nên thận trọng bởi rau má có thể làm tăng tác dụng của thuốc.
- Nước ép bí đao: Bí đao 500g, gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch, thái miếng, ép lấy nước, cho thêm chút muối, uống 2 - 3 lần trong ngày, có tác dụng chống cảm nắng mụn nhọt, rôm sảy.
- Nước atisô: Mua atisô thành phẩm hoặc tươi về nấu lấy nước uống như trà. Bông atisô nấu chín có tác dụng bổ gan, lọc máu, bổ tim, chống độc, lợi tiểu.
- Nước diếp cá: Kích thích tiêu hóa, tăng mùi vị món ăn, tạo cảm giác ngon miệng. Rau có tác dụng kháng khuẩn, diệt ký sinh trùng... Ăn diếp cá giúp giảm cân, giữ dáng, lợi tiểu, giải độc, chữa bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, mùi vị lá diếp hơi tanh nên khá kén người ăn. Diếp cá có thể ăn sống, xay lấy nước, làm nộm hoặc dưỡng trắng da
- Nước vối: Lá vối khô rửa sạch cho vào ấm, cho nước lạnh vào đun đến sôi rồi uống nóng hoặc uống lạnh. Nước vối giải khát, giải nhiệt, có tác dụng lợi tiểu và mát.
- Nước mía: Dân gian thường dùng dưới dạng ăn sống, ép hoặc sắc lấy nước uống. Nước mía phòng các chứng bệnh viêm nhiệt, miệng khô họng khát, sốt cao mất nước...
-Canh rau dền: Thân và lá dền vị ngọt, nhiều protid, lipid, glucid, vitamin, sắt và chất khoáng rất tốt cho sức khỏe. Rau dền cũng dồi dào lượng canxi lại không chứa axit oxalic nên cơ thể rất dễ hấp thu. Rau dền có thể luộc, nấu canh ăn kèm với cà hoặc xào với tỏi, hành
- Thịt bò nấu rau cải: Thịt bò 200g; rau cải 400g; thịt bò thái mỏng; rau cải cắt khúc; gừng gọt vỏ, cắt thành miếng, đâm nhuyễn rồi ướp với thịt bò. Cho những thứ trên vào nồi, thêm hai lít nước, tí muối vừa đủ. Nấu với lửa mạnh trong khoảng một giờ, lấy nước dùng lúc còn ấm. Công dụng giải cảm mạo phong hàn, trị đau đầu, đau nhức xương khớp...
- Cháo bạc hà: Bạc hà tươi 1kg; gạo tẻ 150g. Bạc hà rửa sạch, chặt khúc. Gạo tẻ vo sạch. Cho bạc hà vào nồi cùng một lít nước, nấu sôi trong một giờ, lọc lấy nước, bỏ bã, cho nước lại vào nồi, đổ gạo tẻ vào nấu đến chín như cháo lỏng. Món này trị chứng da nóng ra nhiều mồ hôi, đau đầu, bụng trướng...
- Đậu xanh nấu bạc hà, kim ngân hoa: Đậu xanh 30g; bạc hà tươi 10g, kim ngân hoa 100g, lá tre 10g. Cho bạc hà, kim ngân hoa, lá tre vào nồi cùng hai lít nước, nấu độ một giờ, lọc lấy nước, bỏ xác. Cho đậu xanh cùng nước trên và một ít gạo vào nồi nấu chín, rồi cho vào lượng đường cát vừa đủ để dùng. Món này trị chứng toàn thân đau mỏi, khát nước...
Lê Lan (Tổng hợp)