Nghiên cứu mới đây mang tên SPIROMICS được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) khẳng định, những người bị bệnh phổi tác nghẽn mạn tính (COPD) - một bệnh nền ngày càng phổ biến- có thể có diễn tiến cực kỳ xấu nếu đối diện với tình trạng ngủ kém kéo dài.
Các nhà khoa học UCSF lưu ý tới vấn đề khi xem xét một sự khác biệt đáng chú ý ở Mỹ: Người Mỹ da đen khi bị COPD thì bệnh tiến triển nhanh hơn người Mỹ da trắng, với lối sống tương đương.
Kết quả công bố trên tạp chí SLEEP khẳng định, chính những yếu tố tác động đến giấc ngủ giữa 2 nhóm dân cư này đã gây nên sự khác biệt.
Tại Mỹ, tỉ lệ người Mỹ da đen có mức sống thấp, trung bình cao hơn nhiều so với người Mỹ da trắng. Không gian sống chật chội, không yên tĩnh, giường ngủ không thoải mái, ngủ chung giường, chung phòng ngủ với nhiều người... liên quan mật thiết đến giấc ngủ kém.
Mất ngủ, ngủ kém vì các nguyên nhân khác như công việc, căng thẳng, bệnh lý... cũng để lại tác động tương tự.
Kết quả trên được rút ra từ việc theo dõi 1.647 bệnh nhân COPD đang được quản lý bởi nhiều cơ sở y tế khác nhau trên toàn quốc trong 3 năm. Các bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ diễn tiến bệnh và sự xuất hiện của các cơn bùng phát - tức đợt bệnh trầm trọng hơn.
Bác sĩ Aaron Baugh từ Bộ phận Phổi, chăm sóc chuyên sâu, dị ứng và ngủ của UCSF, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, ngủ kém làm tăng nguy cơ xảy ra cơn bùng phát từ 25% lên tận 95%, cao hơn cả tác động của việc hút thuốc hàng chục năm liền.
Trước đó, rất nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra hàng loạt tác hại của việc ngủ không đủ giấc, bao gồm:
Tăng nguy cơ ung thư
Giấc ngủ ít và bị gián đoạn khiến nguy cơ ung thư cao hơn, nhất là ung thư đại tràng và ung thư vú.
Gây hại cho da
Hầu hết mọi người đều bị sưng húp mắt, quầng thâm, nếp nhăn và da tái xám sau một vài đêm mất ngủ. Khi bạn không ngủ đủ giấc, cơ thể sẽ phải giải phóng nhiều hormone cortisol gây dư thừa, phá vỡ collagen - loại protein giúp làn da mịn màng và đàn hồi.
Béo phì
Do mất cân bằng hormone, người thiếu ngủ tăng sự thèm ăn dẫn tới béo phì. Ngoài ra, họ còn khó kiểm soát hành vi dẫn đến việc tự làm hại sức khỏe. Ngược lại, ngủ đủ được chứng minh là có tác dụng trong việc giảm cân như việc đi tập gym và ăn nhiều rau quả.
Hay quên
Nghiên cứu năm 2009 của các nhà khoa học Mỹ và Pháp xác định rằng não có trách nhiệm củng cố trí nhớ và chuyển thông tin nhận được vào vùng vỏ não, nơi lưu giữ ký ức được lâu dài. Điều này xảy ra sâu và hiệu quả nhất khi chúng ta ngủ đủ giấc. Vì vậy, khi bạn mất ngủ, não bộ sẽ không thể truyền tải đầy đủ nên rất hay quên.
Liên hệ với chứng Alzheimer
Ngủ đủ giấc giúp giảm bớt lượng Beta-Amyloid, một loại protein có quan hệ mật thiết với bệnh Alzheimer.
Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Huyết áp, nhịp tim và nồng độ protein phản ứng C cao hơn khi ngủ ít, từ đó đẩy cao nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Vấn đề về thị lực
Thiếu ngủ dẫn tới hội chứng tầm nhìn hình ống, song thị và mờ mắt. Thức càng lâu, bạn càng dễ mắc các tật khúc xạ cũng như bị ảo giác.
Hệ miễn dịch suy giảm
Chỉ một đêm mất ngủ cũng khiến cơ chế miễn dịch của cơ thể và khả năng hấp thụ vắc-xin kém đi. Theo một nghiên cứu, người ngủ không đủ dễ mắc cảm lạnh gấp 3 lần bình thường.
Giảm ham muốn tình dục
Giấc ngủ giúp bổ sung lượng testosterone ở cả hai giới. Giảm ham muốn, rối loạn chức năng tình dục và ngưng thở khi ngủ là ba nguy cơ khi bạn thiếu ngủ.
Nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2
Phải thức giấc khi cơ thể cần ngủ làm rối loạn cơ chế của cơ thể, dần dẫn đến sự kháng insulin (tiền đái tháo đường) và đái tháo đường tuýp 2.
Suy nhược cơ bắp
Những tổn thương cơ bắp do sinh hoạt và luyện tập trở nên khó lành hơn. Theo nghiên cứu, cơ thể tiết ra hormone tăng trưởng để làm lành các vết thương trong quá trình ngủ.
Thiếu ngủ gây mệt mỏi kéo dài
Không ngạc nhiên nếu thiếu ngủ gây ra mệt mỏi, nhưng nhiều người không nhận ra rằng thiếu ngủ sẽ dẫn đến mệt mỏi kéo dài. Theo thời gian, sẽ cần vài ngày để hồi phục sau khi bị thiếu ngủ từ vài ngày trước đó. Mệt mỏi kéo dài có thể xảy ra bởi tình trạng thiếu ngủ thường xuyên.
Tăng nguy cơ tử vong
Bất ngờ nhất là mối liên quan giữa ngủ không đủ giấc và tỉ lệ tử vong. Ngủ ít hơn 5 tiếng một đêm làm tăng 15% nguy cơ tử vong, gây giảm sức đề kháng của cơ thể, gia tăng các bệnh tật.
Một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu người Anh để kiểm tra sự ảnh hưởng của giấc ngủ lên tỉ lệ tử vong của 10.000 công chức tại Anh trong suốt 2 thập kỷ cho thấy: Những người ngủ từ 5 tiếng trở xuống vào ban đêm sẽ có nguy cơ tử vong cao gấp đôi những người khác. Nguyên nhân tử vong có thể là vì bất cứ lý do gì, đặc biệt là do các bệnh tim mạch.
Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, Sức khỏe và Đời sống)