Người dân, doanh nghiệp mong chờ
Đầu tháng 9/2023, Tp.HCM đang xúc tiến thành lập Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM từ mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm. Sau 6 năm thí điểm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm hoạt động như một Sở ngành, nhưng bị vướng về mặt pháp lý. Các cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể nên còn nhiều lúng túng trong thực tế.
Chẳng hạn như chỉ thực hiện thanh tra chuyên ngành, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào kế hoạch và quyết định thanh tra của trưởng ban, không chủ động như thanh tra Sở.
Do đó, Ban đề xuất cần có sự thay đổi phù hợp với tình hình thực tế, cho phép chính thức hóa mô hình thí điểm, thành lập Sở An toàn thực phẩm.
Thực tế cho thấy, trong hơn 6 năm thí điểm, trên địa bàn Tp.HCM xảy ra 12 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 185 người mắc và 7 người tử vong. So sánh với giai đoạn trước khi thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn từ năm 2014 - 2016 cho thấy, số vụ ngộ độc giai đoạn 2017 - 2022 giảm 10 vụ, số người mắc giảm 8 lần so với giai đoạn 2014 - 2016.
Do đó, việc Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM được cho phép chính thức thành lập nhận được sự quan tâm của người dân, cũng như các doanh nghiệp thực phẩm trên địa bàn.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết: “Chúng tôi mong muốn khi Sở An toàn thực phẩm được thành lập thì sự liên kết giữa các doanh nghiệp thực phẩm với cơ quan chức năng tốt hơn. Trước đây chúng tôi phải đi tìm, kết nối nhiều đầu mối, có khi là cũng một sự việc đó mà chúng tôi phải kết nối khi thì Sở này, khi thì Sở kia. Nếu thành lập Sở An toàn thực phẩm, doanh nghiệp chỉ cần kết nối với một đầu mối duy nhất nên sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm”.
Trong khi đó, người dân Tp.HCM đang mong ngóng sự hoạt động của Sở An toàn thực phẩm để “bảo vệ sức khỏe của người dân”, “xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm”.
Anh Nam Thiên Bảo, ngụ quận 8 ý kiến: “Từ khi có Ban Quản lý an toàn thực phẩm, tôi nhận thấy vấn đề an toàn thực phẩm đã cải thiện thấy rõ. Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là cần thiết. Chính quyền Tp.HCM nên học tập kinh nghiệm quốc tế để quản lý bài bản, xử lý nghiêm khắc về an toàn thực phẩm”.
Còn anh Trần Phong Phú, ngụ huyện Củ Chi đề nghị: “Khi phát hiện việc sản xuất, lưu thông , buôn bán thực phẩm đồ uống không an toàn, cơ quan chức năng phải xử lý được ngay, nghiêm minh, không chỉ dân sự, hành chính mà thậm chí truy tố hình sự. Sức khỏe con người là trên hết, kiến nghị phạt tù đối với hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn”.
Chung tay xử lý thực phẩm bẩn
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho rằng, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm có giải quyết triệt để tình trạng thực phẩm không an toàn là vấn đề rất lớn và khó.
Theo ông Mãi, trên cơ sở thí điểm từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm thì Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM sẽ hoạt động nề nếp, bài bản và hiệu quả hơn. Trong khi đó, việc giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn cần hệ thống chính trị, người dân, truyền thông phải vào cuộc, chứ không riêng gì Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM.
Về vấn đề chuẩn bị nhân sự để triển khai, ông Mãi cho hay, trên tinh thần nhân sự của bộ máy hiện tại, Tp.HCM sẽ nghiên cứu để bố trí nhân sự phù hợp cho Sở An toàn thực phẩm.
“Đây là câu chuyện tâm thế, tinh thần trách nhiệm và phân công công việc rõ ràng, phải giám sát và xử lý bằng cách thay đổi, hoán đổi để phù hợp với từng vị trí”, ông Mãi chỉ đạo.
Người đứng đầu chính quyền Tp.HCM thông tin thêm, tình trạng quá tải công việc đối với hệ thống hành chính trong quá trình chuẩn bị các nội dung thực hiện cơ chế hoá Nghị quyết 98 thì Tp.HCM có phương án mời các chuyên gia tư vấn.
“Tôi cho rằng nếu cơ chế này vận hành tốt sẽ rất quan trọng và thậm chí sẽ chia sẻ được 1/3 khối lượng công việc của chính quyền trong hành chính. Đây là đầu ra, lối thoát cho hệ thống, còn lại vẫn phải sử dụng bộ máy, con người cũ nhưng với tâm thế mới, tinh thần trách nhiệm cao hơn và sát sao nhiệm vụ hơn thì mới đạt được kết quả”, ông Mãi nhận định.
Từ cuối tháng 6/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM. Trong các cơ chế có chấp thuận cho Tp.HCM được thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Với quy mô dân số hơn 10 triệu dân, nhu cầu về lương thực, thực phẩm rất lớn dẫn đến việc Tp.HCM trở thành đầu mối lưu thông lượng lớn thực phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Việc lập Sở An toàn thực phẩm là cấp thiết cho một đô thị đặc biệt như Tp.HCM.
Địa phương này đã có hơn 6 năm thực hiện thí điểm hoạt động Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp.HCM, từ tháng 12/2016. Nếu được thành lập, Tp.HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước có Sở An toàn thực phẩm.
Về trình tự, thủ tục thành lập Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM, sau khi có ý kiến chấp thuận của của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND Tp.HCM trình HĐND Tp.HCM quyết định thành lập Sở An toàn thực phẩm trực thuộc chính quyền thành phố.
Hồi tháng 5/2023, khi thảo luận tổ ở Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, đề xuất lập Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM có đủ cơ sở pháp lý để thí điểm.
Về pháp lý, Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan đã có quy định. Về thực tiễn, Chính phủ cho phép Tp.HCM thí điểm lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm và cho thấy có hiệu quả. Như vậy, cơ sở lập Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM đã có đầy đủ, có thể thí điểm trong 5 năm, sau đó đánh giá hiệu quả.
"Nếu Sở An toàn thực phẩm Tp.HCM hoạt động hiệu quả và hợp lý, khi cần thiết, chúng tôi sẽ tham mưu nghiên cứu lập Sở An toàn thực phẩm ở các đô thị lớn”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.