Người dân nông thôn Tây Ninh thoát nỗi khổ "khát" nước sạch

Người dân nông thôn Tây Ninh thoát nỗi khổ "khát" nước sạch

Nguyễn Văn Khánh

Nguyễn Văn Khánh

Thứ 4, 30/10/2024 08:30

Trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã đầu tư hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt, giúp người dân vùng nông thôn có nguồn nước sạch để đảm bảo về sức khỏe và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nỗi khổ của người dân

Trò chuyện với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Hữu (ngụ ấp Ninh Hưng 2, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu) cho biết, trước đây gia đình dùng nước mưa, nước giếng khoan. Nhưng, nguồn nước ngầm tại khu vực này bị nhiễm phèn rất nặng, không thể dùng ăn uống, chỉ dùng tạm cho việc tắm, giặt.

Người dân ở đây thường hứng nước mưa sử dụng, nhưng về lâu dài, để bảo đảm an toàn sức khoẻ, người dân phải mua nước sinh hoạt từ nơi khác chở đến với giá 20 ngàn đồng/ khạp (lu).

Nước uống thì gia đình bà Hữu, cũng như người dân nơi đây mua nước lọc đóng bình với giá khoảng 20 ngàn đồng/ bình 20 lít.

Nói về nỗi khổ "khát" nước sinh hoạt, ông Trần Văn Tác (ngụ ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bế Cầu) cho biết, thời gian trước, người dân ở đây vô cùng vất vả trong việc tìm nguồn nước sinh hoạt sử dụng. Người dân phải "gồng gánh" thêm chi phí để mua nước sạch dùng cho sinh hoạt.

Trong khi đó, đa số người dân địa phương đều là nông dân, hoàn cảnh kinh tế không khá giả, do đó số tiền chi cho khoản nước sạch khá nhiều so với thu nhập của họ.

Người dân nông thôn Tây Ninh thoát nỗi khổ "khát" nước sạch- Ảnh 1.

Hệ thống cấp nước Mộc Bài là một trong những công trình cấp nước sạch hiện đại của tỉnh Tây Ninh.

Ông Trần Văn Tác cho biết thêm, chính vì thiếu nguồn nước sạch, vào mùa khô bà con phải mua nước sạch về dùng.

Giá nước sạch được một số người vận chuyển đến bán từ 60.000 đồng – 80.000 đồng/m3.

Người dân vốn làm nông đã khó khăn, vào mùa khô lại phải bỏ tiền không ít để mua nước sạch sinh hoạt sử dụng nhưng chỉ dùng vào việc tắm, giặt.

Gia đình nào có điều kiện mới mua thêm nước để sinh hoạt chung cho cả gia đình.

Người dân nông thôn Tây Ninh thoát nỗi khổ "khát" nước sạch- Ảnh 2.

Tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, 85% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.

"Nay có nguồn nước sạch đạt quy chuẩn từ nhà máy nước Mộc Bài cung cấp, chúng tôi không còn phải mua nước. Giá nước sạch đạt quy chuẩn từ nhà máy nước cũng rẻ hơn so với mua nước lọc. Ngoài gia đình, gần như toàn bộ người dân các xã nơi biên giới đây đều rất phấn khởi khi có nguồn nước đạt chuẩn hằng mơ ước để sử dụng sinh hoạt thoải mái", ông Tác phấn khởi nói.

Số hộ dân nông thôn có nước sạch còn hạn chế

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PNNT) tỉnh Tây Ninh thông tin với PV, mặc dù các trạm cung cấp nước sạch đã được bao phủ rộng khắp các vùng nông thôn. Nhưng nhìn chung, số hộ dân nông thôn sử dụng nước từ nguồn cung cấp này vẫn hạn chế.

Người dân nông thôn Tây Ninh thoát nỗi khổ "khát" nước sạch- Ảnh 3.

Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tây Ninh lắp đặt đường ống mới cho người dân.

Tính đến cuối năm 2023, tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,6%. Trong đó, tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 68%, tại các xã nông thôn mới bảo đảm đạt từ 65% trở lên.

Theo ông Xuân, nhằm giúp người dân, đặc biệt các hộ có điều kiện khó khăn được tiếp cận nguồn nước sạch, Sở NN-PTNT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Tây Ninh ban hành các quyết định hỗ trợ.

Trong đó, điểm nhấn là Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND, thông qua quyết định, các huyện, thị xã và thành phố cũng đã hỗ trợ lắp đặt 6.452 hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn với kinh phí thực hiện là 38,712 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 36,55 tỷ đồng (chiếm 94,42%).

Mới đây, Sở NN-PTNT đã tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 56/2023/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết với mục tiêu hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình cho khoảng 6.684 hộ dân nông thôn, thuộc các đối tượng nằm ngoài phạm vi cấp nước của các công trình cấp nước tập trung, với tổng kinh phí 40 tỷ đồng.

Song song đó, Nghị quyết số 64/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (áp dụng từ ngày 1/1/2024) sẽ giúp các đối tượng thuộc gia đình có công với cách mạng; hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 4.000 đồng/m3.

Hộ gia đình thuộc khu vực nông thôn còn lại không thuộc đối tượng nêu trên là 3.000 đồng/m3. Định mức hỗ trợ không quá 10m3/hộ/tháng.

Tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỉ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 85%; tỉ lệ thất thoát nước sạch bình quân từ 15% trở xuống.

Để đạt được mục tiêu đề ra, cũng như khắc phục những khó khăn, tồn tại, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, trong giai đoạn tới, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình cấp nước theo hướng hiện đại, đồng bộ, gắn với hệ thống giám sát vận hành công trình.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh, đề xuất đầu tư xây mới các công trình cấp nước có quy mô lớn, mang tính đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với các công trình cấp nước hiện hữu để công trình hoạt động hiệu quả, bền vững.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.