Nhan nhản thực phẩm giả
Dạo quanh các chợ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, thấy nhiều loại thực phẩm được bày bán tràn lan nhưng không có nhãn mác, hỏi nguồn gốc xuất xứ thì người bán không biết mà chỉ trả lời chung chung. Không ít người tiêu dùng rơi vào hoàn cảnh "ăn cũng chết mà không ăn cũng chết". Trong khi người tiêu dùng đang băn khoăn và lo lắng không biết mua loại thực phẩm nào, ở đâu cho an toàn, thì các cơ quan chức năng đang bối rối, chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Đã có không ít những chiến dịch ra quân bài trừ hàng thực phẩm giả và các cơ sở sản xuất mặt hàng giả kém chất lượng, nhưng xem ra đó như một hành động "bắt cóc bỏ đĩa".
Nhiều loại thực phẩm nghi làm từ nhựa và các chất dẻo tổng hợp, kết hợp với phẩm màu được người dân phát hiện và phản ánh. Thời gian qua, mực xé sợi nghi là mực giả được phát hiện tại Trung tâm thương mại Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Anh Nguyễn Lê Nguyễn (33 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết: "Khi tổ chức đi chơi tại Vũng Tàu, tôi đã mua 2kg mực khô xé sợi tại Trung tâm thương mại Bà Rịa với giá 200.000 đồng. Khi ăn thấy mực rất dai, nghi là mực giả nên tôi nướng trên lửa thì mực cháy đen và có mùi khét lẹt giống nhựa. Mực giả nhìn rất ngon và rất khó phát hiện, loại mực này có màu hồng nhạt, vị ngọt và rất dai. Nhận được phản ánh, Đội quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện tại nhiều ki ốt kinh doanh loại mực khô xé sợi, người bán không xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ. Khi tiêu hủy loại mực nghi làm giả này bằng cách ngâm vào nước xà phòng thì sợi mực bắt đầu nhũn ra, có thể kéo giãn như dây thun gấp 2 - 3 lần so với ban đầu".
Người tiêu dùng chưa thể yên tâm mặc dù lương thực, thực phẩm nhìn rất ngon
Điều 157 Bộ luật Hình sự Luật sư Nguyễn Văn Bảo cho hay, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm... thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Nếu phạm tội thuộc trường hợp có tính chất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm; gây hậu quả đến mức rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm; hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Nhiều người tiêu dùng phản ánh, các loại thực phẩm nghi làm bằng nhựa hoặc là không có nguồn gốc, hoặc chỉ có chữ Trung quốc ghi trên bao bì. Ngoài mực khô xé, người dân còn phát hiện thịt bò làm bằng cao su. Chị Trịnh Thị Trang (46 tuổi, ngụ đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM) phản ánh: "Tôi mua một bịch bò khô tại một quán nằm trên đường số 39, gần khúc giao với đường Lâm Văn Bền (quận 7, TP.HCM). Khi ăn thấy miếng bò rất dai, để ý kỹ thấy miếng thịt bò giống cao su".
Theo tìm hiểu của PV, những loại thực phẩm như mực khô xé, thịt bò khô... được các chủ quán nhậu, nhà hàng rất chuộng, họ mua để làm gỏi hoặc làm mồi nhậu bán cho khách. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện loại gạo làm từ nhựa, trứng gà dẻo như cao su, nhìn bên ngoài những quả trứng giả này rất khó phân biệt với trứng thường. Khi cắt lát uốn cong rồi thả ra nó lại trở về hình dạng ban đầu, hoặc bóp bẹp vào rồi thả ra nó lại như cũ, không vỡ, ăn thử không có vị tự nhiên... Phân tích các thành phần trong trứng gà giả này, các chuyên gia cho biết, những nguyên liệu để làm trứng gà giả bao gồm: Muối Alginate, canxi oxit (CaO - vôi tôi), màu thực phẩm, canxi cacbonat... Nếu ăn loại trứng giả này lâu dài sẽ dẫn đến mất trí nhớ và mắc một số bệnh về não. Mứt táo được nhập từ Trung Quốc của một doanh nghiệp tại Cần Thơ được làm từ... hạt nhựa. Khi tiến hành kiểm nghiệm, đoàn kiểm tra thuộc đội QLTT quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) phát hiện phần hạt táo được làm bằng nhựa cứng có hai màu xanh đậm và vàng. Trên bao bì sản phẩm có in chữ Trung Quốc.
Mới chỉ xử lý được "phần ngọn"
Bà Nguyễn Minh, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Kim Biên (quận 5, TP. HCM) bức xúc: "Câu chuyện nhiều loại thực phẩm bị làm giả bằng các chất liệu khác đang trở thành đề tài bàn tán của nhiều người. Những tiểu thương như chúng tôi cũng khó phân biệt được hàng thật hay giả nên cũng rất lo ngại mỗi khi mua bất kỳ loại thực phẩm nào cho gia đình. Các sở ban ngành của TP. cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, cũng như mức độ xử phạt vi phạm để những cơ sở sản xuất, cũng như các công ty xuất nhập khẩu làm việc có trách nhiệm với người tiêu dùng hơn. Tuy nhiên, nhiều cá nhân và tổ chức chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng, sản xuất và kinh doanh sản phẩm không đảm bảo các điều kiện quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), sản xuất sản phẩm không đủ điều kiện, đầu độc người tiêu dùng".
Luật sư Nguyễn Văn Bảo, văn phòng tư vấn luật Nguyễn Bảo cho hay: "Sản xuất, kinh doanh các loại lương thực, thực phẩm làm từ nhựa, các chất dẻo tổng hợp, kết hợp với các loại phẩm màu… là việc nghiêm trọng, gây bức xúc lớn trong dư luận cần phải ngăn chặn kịp thời, xử lý triệt để vì đây là hành vi gây nguy hại trực tiếp và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đồng thời đây là hành vi mất đạo đức trong kinh doanh. Hiện nay, việc sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thực phẩm chứa chất độc hại, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng được đưa ra thị trường tiêu thụ nhiều hơn mặc dù pháp luật đã quy định rõ ràng, chế tài cụ thể. Thực tế là do khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và đội ngũ cán bộ thực thi trong lĩnh vực này hoạt động kém hiệu quả, bất cập. Nhiều vụ việc đáng lẽ phải bị xử lý hình sự nhưng khi phát hiện lại xử phạt hành chính qua loa. Từ đó, làm giảm tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.
Theo PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, hiện nay, cục ATTP (bộ Y tế) là cơ quan chuyên ngành cao nhất để quản lý ATTP, tại các tỉnh, thành có các Chi cục ATTP (sở Y tế). Tuy nhiên, sự thiếu hụt cán bộ chuyên trách tại các cấp huyện, xã là nơi trực tiếp sản xuất lương thực, thực phẩm khiến việc quản lý mới chỉ ở phần ngọn. Vì vậy, công tác quản lý vẫn chỉ dừng lại ở chỗ, sản phẩm nào được phát hiện có lỗi thì được thanh kiểm tra, còn lại vẫn được bày bán bình thường. Muốn thay đổi được thực trạng hiện nay, theo tôi phải sửa luật, tăng cường lực lượng chuyên trách tại tuyến xã, huyện. Để không bị động trong việc quản lý, tôi cho rằng cần đẩy mạnh quản lý thực phẩm theo chuỗi và tăng cường phân tích nguy cơ mất ATTP.
Công Thư - Trần Hùng