Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức chưa từng có, châu Âu đã trải qua tháng 3 ấm nhất kể từ khi có số liệu thống kê. Trên toàn cầu, thế giới cũng trải qua một tháng 3 ấm thứ hai trong lịch sử hành tinh – chỉ sau tháng 3/2024.
Trong báo cáo hàng tháng của mình công bố hôm 8/4, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) do EU tài trợ cho biết, nhiệt độ trung bình vào tháng 3 ở châu Âu đã tăng lên trên 6 độ C, cao hơn 0,26 độ C so với tháng 3 nóng nhất trước đó vào năm 2014.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào tháng 3 cũng cao hơn 1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, duy trì một đợt nắng nóng kỷ lục gần như không bị phá vỡ hoặc gần phá vỡ kỷ lục đã kéo dài kể từ tháng 7/2023, báo cáo cho biết.

Nhiệt độ toàn cầu dao động ở mức cao kỷ lục vào tháng 3/2025, Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của EU cho biết. Ảnh: Shutterstock
Những phát hiện có trong báo cáo hàng tháng của C3S nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng rằng, mục tiêu quốc tế về hạn chế sự nóng lên toàn cầu vào năm 2100 ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp đang "tuột khỏi tầm với".
Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng mỗi phần nhỏ của một độ nóng lên toàn cầu đều làm tăng cường độ và tần suất của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, mưa lớn và hạn hán.
Bà Samantha Burgess, Giám đốc chiến lược tại Trung tâm Dự báo Thời tiết Trung hạn châu Âu, đơn vị điều hành C3S, lưu ý rằng châu Âu đã trải qua những trận mưa lớn và hạn hán khắc nghiệt vào tháng 3.
Châu Âu tháng trước ghi nhận "nhiều khu vực trải qua tháng 3 khô hạn nhất trong lịch sử và những khu vực khác có tháng 3 ẩm ướt nhất trong lịch sử ít nhất 47 năm qua", bà Burgess cho biết.
Biến đổi khí hậu – có động lực chính là khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, theo sự đồng thuận khoa học giữa các nhà khoa học khí hậu – đang khiến một số khu vực trở nên khô hạn hơn.
Nó thúc đẩy các đợt nắng nóng có thể khiến hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn, bằng cách tăng tốc độ bốc hơi, làm khô đất và thảm thực vật. Và sự nóng lên của hành tinh cũng làm mưa lớn thêm đến mức có thể gây ra lũ lụt.
C3S cho biết, băng biển Bắc Cực đã giảm xuống mức thấp nhất hàng tháng vào tháng trước – so với bất kỳ tháng 3 nào trong hồ sơ dữ liệu vệ tinh kéo dài 47 năm. Hồ sơ nhiệt độ được C3S sử dụng có từ năm 1940 và được kiểm tra chéo với hồ sơ nhiệt độ toàn cầu có từ năm 1850.
Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng đợt nắng nóng khắc nghiệt trên khắp Trung Á và gây ra tình trạng mưa cực lớn ở các quốc gia như Argentina.
Nhưng ngay cả khi chi phí cho các thảm họa do biến đổi khí hậu tăng vọt, ý chí chính trị trong việc đầu tư vào việc hạn chế khí thải đã suy yếu ở một số quốc gia.
Bà Friederike Otto thuộc Viện Grantham về biến đổi khí hậu và môi trường tại Đại học Hoàng gia London, cho biết thế giới "đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra".
"Thật đáng lo ngại khi chúng ta vẫn ở mức 1,6 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp", bà nói.
Minh Đức (Theo Aljazeera, Reuters)