Thu thuế để “phù hợp thông lệ quốc tế”
Đây là lý do được bộ Tài chính viện dẫn nhiều lần nhất mỗi khi đề xuất một sắc thuế mới hoặc tăng mức thuế cũ. Gần đây nhất là đề xuất thu thuế tài sản và tăng thuế VAT.
Theo bộ Tài chính, thuế tài sản là một sắc thuế phổ biến từ lâu trên thế giới. Hiện nay có 174/193 nước đã áp dụng sắc thuế thu đối với tài sản với các tên gọi khác nhau như: Thuế tài sản (65 nước như Hồng Kông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Serbia, Slovenia, Canada, Puerto Rico, Pháp, Hoa Kỳ, Thụy Sỹ…); Thuế bất động sản (51 nước); Thuế đất (30 nước), thuế sử dụng đất; thuế nhà, đất…
Bởi thế, Bộ này cho rằng, việc ban hành luật thuế Tài sản là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật Thuế tài sản được bộ Tài chính xây dựng trong lộ trình tổng thể cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, trong đó đơn vị này đề xuất đánh thuế mức 0,3 - 0,4% đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng và ô tô từ 1,5 tỷ trở lên. Ngoài lý do “phù hợp thông lệ quốc tế”, Bộ này cũng hi vọng giúp ngân sách có thêm khoảng 31.000 tỷ đồng/năm.
Trước đó, bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12% vì lý do là mức 10% hiện tại chưa theo kịp thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Cả hai đề xuất này đều đã vấp phải sự phản đối của dư luận. Nhiều người cho rằng thu thì đòi theo thông lệ quốc tế, nhưng mức sống của người dân, mức chi cho phúc lợi xã hội thì lại chưa theo kịp được thông lệ ấy. Nhiều cuộc tranh luận đã được xới lên để mổ xẻ “thông lệ quốc tế là thông lệ nào?”…
Và vì còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận nên mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã thông tin: Chính phủ, Thủ tướng chưa xem xét, cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng dự án luật Thuế tài sản của bộ Tài chính.
Đối với thuế VAT, thừa nhận việc tăng lên 12% sẽ có ảnh hưởng đến nhóm người có thu nhập thấp nên sau đó bộ Tài chính đã quyết định dãn lộ trình: đề xuất từ 1/1/2019 chỉ tăng thuế VAT từ 10% lên 11% thay vì 12% như trước. Mức tăng thuế VAT (nếu có) sẽ áp dụng sau đó 1 năm, từ 1/1/2020.
Nhiệt tình chống buôn lậu, bộ Tài chính đề xuất tăng kịch khung thuế Bảo vệ môi trường xăng dầu
Tại họp báo quý I/2017 của bộ Tài chính diễn ra chiều 10/4/2017, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng vụ Chính sách thuế (bộ Tài chính) khẳng định: Thuế nhập khẩu đang bị cắt giảm theo thỏa thuận quốc tế, còn giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam lại thấp hơn các nước có chung đường biên giới và nhiều nước trong khu vực.
Sau khi phân tích tình hình trên thị trường xăng dầu thế giới, giá xăng dầu Việt Nam so với các nước trên thế giới cũng như các nước có biên giới liền kề, chúng tôi nhận định rằng nếu không điều chỉnh thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia.
Ngoài ra, việc thuế nhập khẩu dần về 0% khiến Bộ này lo ngại tình trạng buôn lậu sẽ xảy ra khi giá xăng Việt Nam thấp hơn các nước láng giềng, và quyết định sử dụng công cụ là tăng thuế Bảo vệ môi trường đánh trên mặt hàng xăng dầu. Hiện đây vẫn là một chủ đề gây tranh cãi bởi nhiều người cho rằng nhiều năm qua mỗi lít xăng đã phải “cõng” 3.000 đồng thuế này nhưng môi trường những năm qua không hề được cải thiện, bởi thu thuế 4 đồng thì chỉ chi cho môi trường 1 đồng.
Xưa nay, hễ tăng thuế là người dân lại phản đối, “nhưng tâm lý phản đối này nảy sinh là do người dân bức xúc, khó chịu về tính không minh bạch trong chi thường xuyên.
Chi thường xuyên hàng năm luôn cao cho thấy bộ máy nhà nước cồng kềnh, trong khi người dân không biết được các khoản thuế của mình được sử dụng như thế nào thì sao mà người dân phản ứng tích cực mỗi lần tăng thuế?”
(TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế chính sách) - theo Zing.vn
Lo ngại dân béo phì, bộ Tài chính đòi thu thuế nước ngọt
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh 10% trên các mặt hàng nước giải khát có đường (trừ sữa) đã được bộ Tài chính đề xuất từ cuối năm 2017 song cũng vấp phải phản đối. Gần đây, Bộ này lại đưa ra bàn thảo lần nữa với hi vọng áp dụng từ năm 2019.
Một trong những cơ sở để bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt nhằm giảm tình trạng người dân thừa cân, béo phì và mắc bệnh tiểu đường, trên cơ sở viện dẫn tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì và tiểu đường ở Việt Nam đang ở mức cao, chiếm khoảng 25% dân số.
Tuy nhiên, một lần nữa người dân lại cho rằng bộ Tài chính “lo bò trắng răng”.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đặt biệt là kiểm soát bệnh tiểu đường và béo phì cần kiểm soát chặt chẽ và không cho dùng sản phẩm đường lỏng HFCS là nguyên liệu sản xuất đồ uống chứ không phải đánh thuế là giải quyết được câu chuyện này.
Cũng theo hiệp hội Mía đường, khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ có 4 quốc gia áp dụng thuế đối với nước ngọt là Thái Lan, Brunei, Lào và Campuchia. Một số nước từng áp dụng loại thuế suất này nhưng đã bãi bỏ vì không hiệu quả, trong đó có Argentina, Đan Mạch, Cộng hòa Dominica, Ai Cập, Ghana, Indonesia, Pakistan, Nam Phi, Zambia và một số bang của Mỹ. Lần này không thấy bộ Tài chính viện dẫn lý do “phù hợp thông lệ quốc tế” nữa.
Ngoài ra, Hiệp hội này cũng dẫn chứng số liệu của tổ chức Y tế thế giới để chứng minh các quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng vẫn có tỷ lệ béo phì tăng liên tục trong những năm qua để khẳng định cái sự lo dân béo phì của bộ Tài chính là không có cơ sở.
Cụ thể, Thái Lan, mặc dù áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong suốt 30 năm qua nhưng tỷ lệ người thừa cân, béo phì ở độ tuổi 5 đến 19 tuổi tăng nhanh từ 3,1% vào năm 2000 lên đến 11,3% vào năm 2016. Brunei là 1 trong 4 quốc gia áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt nhưng tỷ lệ người tử vong do bệnh tiểu đường cao nhất thế giới với 11% và tỷ lệ béo phì ở độ tuổi từ 9 đến 15 tăng từ 6,4% vào năm 2000 lên mức 14,1% vào năm 2016.
Còn nếu vì bí ngân sách mà tăng thuế thêm thì cũng phải làm rõ cho người dân biết được là bao nhiêu phần trăm trong tiền thuế đó được sử dụng để bảo vệ môi trường, bao nhiêu để bù các khoản thu thiếu hụt khác. Có như vậy, người dân mới có thể yên tâm đóng thuế”.
(Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan) - Theo Zing.vn
Vinh Phan